Sáng 7-4, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Phá sản (sửa đổi).
Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) trình Quốc hội lần này có 14 chương, 129 điều (tăng thêm 2 chương, 5 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6). Trong đó, nhiều nội dung đã được chỉnh lý, làm rõ như: tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) mất khả năng thanh toán; thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án; vai trò của Viện Kiểm sát Nhân dân; tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề, quyền, nghĩa vụ của quản tài viên; thụ lý đơn, mở thủ tục phá sản; các biện pháp bảo toàn tài sản; tuyên bố doanh nghiệp, HTX phá sản; thủ tục phá sản tổ chức tín dụng; thủ tục phá sản có yếu tố nước ngoài…
Góp ý tại hội nghị, Chánh tòa Kinh tế TAND thành phố Lê Tự cho rằng, nên hết sức thận trọng trong việc giao cho Tòa án cấp huyện giải quyết việc phá sản của doanh nghiệp, HTX bởi đây là công việc khó khăn, phức tạp. Ông Lê Tự khẳng định, “Quản tài viên” - người quản lý tài sản là yếu tố mới trong dự án Luật Phá sản lần này, có khả năng phát triển nhưng cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước và Chánh thành viên chứ không phải đẩy hoàn toàn công việc về phía Quản tài viên. Theo Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Lê Xuân Hạt, quy định tại Điều 5: “chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, HTX không thanh toán được khoản nợ đến hạn trong thời gian 3 tháng” là quá ngắn. Cần xem xét nâng thời hạn cho các doanh nghiệp, HTX thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ từ 3 tháng lên 6 tháng khi người có quyền và nghĩa vụ nộp yêu cầu xin mở thủ tục phá sản…
MAI TRANG