.

Cước đường bộ tăng, hàng hóa chuyển sang đường thủy

.

Sau hơn một tháng triển khai kế hoạch giám sát tải trọng xe tải trên quốc lộ, các chủ phương tiện phải điều chỉnh lại giá cước theo hướng tăng thêm, điều này vô tình đã trở thành yếu tố “kích cầu” cho vận tải đường thủy có thêm khách hàng.

Các chủ phương tiện buộc phải chở đúng tải nếu không muốn bị xử phạt, và như vậy giá cước sẽ được tăng thêm.
Các chủ phương tiện buộc phải chở đúng tải nếu không muốn bị xử phạt, và như vậy giá cước sẽ được tăng thêm.

Ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng, cho biết sau một thời gian nghe ngóng tình hình, khoảng giữa tháng 4, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố rục rịch đàm phán lại hợp đồng với khách hàng với hướng giá cước tăng thêm khoảng 20% so với trước đây. Đặc biệt, với một số mặt hàng đặc thù như hàng nguyên đai nguyên kiện, cồng kềnh, giá cước tăng khoảng 40-50% mới đủ chi phí. Cũng theo ông Hiệp, tình hình này buộc các doanh nghiệp tính toán lại mọi thứ theo hướng triệt để tiết kiệm đầu ra để có thể giảm mức tăng giá cước cho khách hàng, tuy nhiên cố lắm thì cũng không thể thấp hơn 20% so với thời điểm chưa triển khai kiểm tra tải trọng xe trên toàn quốc.

Ông L.H.B, chủ một doanh nghiệp vận tải chuyên chở hàng cho các đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng và hàng nông sản từ Đà Nẵng đi thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Chúng tôi vừa thực hiện hợp đồng vận chuyển 40 tấn hàng hóa nông sản đi Cảng Sài Gòn, mặc dù phải dùng “chiến thuật” ngày nghỉ đêm chạy, thế nhưng đến Đồng Nai thì bị lập biên bản xử phạt hết 22 triệu đồng. Trong đó, tài xế bị xử phạt 6 triệu đồng và thu bằng lái 6 tháng, còn chủ phương tiện là công ty bị xử phạt 16 triệu đồng vì lỗi quá tải 40% so với tải trọng cho phép. Đã vậy, chủ hàng còn đòi phạt hợp đồng vì trễ thời gian giao hàng đến 12 tiếng đồng hồ, vì vậy không còn cách nào khác là tăng giá cước để chở đúng tải trọng”.

Trong khi vận tải đường bộ gặp khó khăn do giá cước tăng thì vận tải hàng hóa bằng đường thủy bỗng trở nên sôi động. Ông Nguyễn Thu, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng, cho biết trước đây, trung bình mỗi tuần ở cảng Tiên Sa có khoảng 10 chuyến tàu container thủy nội địa thì từ giữa tháng 4 đến nay đã tăng lên khoảng 15 chuyến mỗi tuần. Chính vì có một lượng hàng hóa từ đường bộ chuyển sang nên mới đây hãng tàu Hưng Đạo chuyên vận chuyển hàng đường thủy nội địa đã đến Cảng Đà Nẵng bàn bạc để sớm đưa cảng Tiên Sa vào lộ trình vận chuyển hàng container bằng đường thủy. Nếu không có gì thay đổi, khoảng giữa tháng 5 này, chuyến container thủy nội địa này sẽ đi vào hoạt động.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn cũng cho biết đang chuyển sang hình thức vận chuyển hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy để giảm chi phí vận chuyển. Theo tính toán của các doanh nghiệp này, hiện nay vận chuyển một container loại 20 feet từ Đà Nẵng đi thành phố Hồ Chí Minh bằng đường bộ giá tốt nhất cũng là 8 triệu đồng, trong khi đó vận chuyển bằng đường thủy nội địa chỉ có giá từ 4-5 triệu đồng. Nếu như cộng với phí bốc dỡ và vận chuyển ở hai đầu cảng, tính ra cũng thấp hơn giá đường bộ từ 30-40%.

Cơ hội đang mở ra với vận tải đường thủy, nhưng lại là thách thức không nhỏ với đường bộ, tuy nhiên trên hết là khách hàng sẽ được lợi, bảo đảm cho việc vận tải đường bộ đi vào nền nếp.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.