.

Vụ khai thác vàng giữa rừng nguyên sinh: Cần xử lý dứt điểm

.

Như vậy là thời hạn cuối để Công ty TNHH MTV Trường Sơn, đơn vị được UBND thành phố Đà Nẵng cho phép khai thác vàng tại Khe Đương, thuộc địa phận xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) phối hợp với cơ quan chức năng đóng cửa mỏ, di chuyển hết nhân lực và trang thiết bị, máy móc ra khỏi rừng theo Công văn số 11126/UBND- QLĐTh của UBND thành phố ngày 12-12-2013, trôi qua đã gần 4 tháng.

Thế nhưng, đến nay mỏ vàng vẫn chưa đóng. Nhân lực và trang thiết bị, máy móc vẫn nguyên vị trí cũ. Việc khôi phục môi trường sinh thái, trồng cây thay thế trên khu vực khai thác vàng chưa triển khai. Ai chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này?

Ông Phạm Trí, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hòa Bắc, cho biết đến thời điểm này, nhà cửa, kho tàng, máy móc, thiết bị của Công ty TNHH MTV Trường Sơn tại mỏ vàng Khe Đương vẫn nguyên vẹn như trước ngày có công văn chỉ đạo của UBND thành phố về việc đóng cửa mỏ vàng Khe Đương. Có chăng vài ba chiếc máy đã được chuyển ra khỏi rừng. Số nhân công chỉ còn 5 người, có nhiệm vụ trông coi tài sản. Tuy vậy, không ai dám chắc số người này không tiếp tục khai thác vàng, bởi mỏ vàng vẫn chưa đóng.

Theo chỉ đạo của Công văn 11126/UBND-QLĐTh ngày 12-12-2013 của UBND thành phố, chậm nhất cuối tháng 1-2014 đóng cửa mỏ vàng Khe Đương; Công ty TNHH MTV Trường Sơn phải chấm dứt hoàn toàn việc khai thác vàng, đồng thời triển khai khôi phục môi trường sinh thái, trồng cây bản địa thay thế theo quy định; di chuyển hết nhân lực, trang thiết bị, máy móc ra khỏi rừng. Tiếp theo đó, ngày 16-1-2014, UBND thành phố ban hành Quyết định số 444/QĐ-UB chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác vàng tại Khe Đương. Chỉ đạo là vậy, thế nhưng, đến nay mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ. Mỏ vàng vẫn chưa đóng. Nhân lực, trang thiết bị, máy móc của đơn vị khai thác vàng vẫn y nguyên như cũ. Có chăng, đường từ thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc vào đến bãi vàng khoảng 10 cây số đã được sửa chữa, ô-tô đã lưu thông bình thường.

Ngày 8-4, lực lượng Kiểm lâm Hòa Vang phối hợp với công an, dân quân xã Hòa Bắc tiến hành kiểm tra đột xuất tại mỏ vàng này đã phát hiện 20 nhân công cùng 6 máy phục vụ khai thác vàng đang hoạt động tối đa công suất. Lực lượng làm nhiệm vụ đã tiến hành lập biên bản vi phạm, yêu cầu lãnh đạo mỏ vàng đến UBND xã Hòa Bắc làm việc. Từ đó đến nay, theo Kiểm lâm Hòa Vang, việc khai thác vẫn chưa chấm dứt hẳn.

Ông Phạm Trí cho biết thêm, quản lý, giám sát việc khai thác vàng tại mỏ vàng Khe Đương rất khó khăn, bởi lực lượng chức năng không thường xuyên có mặt tại đó. Đã 4 tháng trôi qua kể từ hạn chót Công ty TNHH MTV Trường Sơn phải di chuyển nhân lực, trang thiết bị ra khỏi rừng, thế mà đến nay, đơn vị khai thác vàng này vẫn ung dung có mặt giữa rừng. Đường ô-tô mở ra, là cơ hội cho lâm tặc lợi dụng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Lực lượng kiểm lâm mỏng, khó bề giữ nổi. Chậm trễ trong xử lý mỏ vàng Khe Đương, không chỉ tài nguyên vàng tiếp tục bị khai thác trái phép mà tài nguyên lâm sản cũng bị tàn phá.

Phải nói rằng, cho phép khai thác vàng giữa rừng nguyên sinh quả lợi bất cấp hại, mất nhiều hơn được, hệ lụy rất nghiêm trọng đến tài nguyên rừng và môi trường sinh thái. Như công luận đã từng phản ánh: Rừng dọc hai bên đường từ thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc vào đến khu vực khai thác vàng ước hàng trăm héc-ta, trước đây tài nguyên lâm sản phong phú là vậy mà nay thành rừng nghèo. Xung quanh khu vực khai thác vàng vô số cây gỗ cỡ 2-3 người ôm không xuể đã bị đốn hạ không thương tiếc. Nhiều héc-ta rừng nguyên sinh nơi doanh nghiệp khai thác vàng đặt đại bản doanh, trơ trọi không một bóng cây. Môi trường sinh thái bị tàn phá nghiêm trọng.

Các con đường dẫn đến hầm vàng được mở bằng cơ giới làm cho nhiều diện tích rừng biến mất. Bãi thải sau khai thác vàng chất ngất bùn đất. Các con suối bị đất đá bồi lấp… Mất mát, thiệt hại không nhỏ là vậy, thế nhưng cái được duy nhất sau 6 năm cho phép Công ty TNHH MTV Trường Sơn khai thác vàng giữa rừng nguyên sinh là ngân sách thành phố Đà Nẵng được bổ sung thêm hơn nửa tỷ đồng từ việc thực hiện nghĩa vụ các loại thuế!

Dư luận đang đặt câu hỏi: Tại sao đã nửa năm kể từ khi có công văn chỉ đạo chấm dứt khai thác vàng ở Khe Đương, việc khai thác vàng vẫn chưa chấm dứt? Tại sao không có cơ quan, đơn vị nào buộc doanh nghiệp khai thác vàng cải tạo môi trường, trồng rừng thay thế như cam kết và phương án đã phê duyệt? Những câu hỏi này cần sớm được trả lời.

HOÀI NAM

;
.
.
.
.
.