.

Quản lý xe buýt nhanh phải có sự khác biệt

.

Đó là ý kiến đưa ra tại hội thảo về quản lý, vận hành hệ thống xe buýt nhanh do Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức ở Đà Nẵng ngày 12-6.  

Theo đó, hệ thống xe buýt nhanh (BRT) là giải pháp giao thông công cộng khá phù hợp với Việt Nam về tính tiện lợi, đầu tư ban đầu nhẹ hơn các hình thức giao thông công cộng khác. Nhưng theo ý kiến của nhiều đại biểu, BRT vẫn chưa thu hút được nhiều người dân tham gia bởi tần suất các chuyến quá dài, chưa vươn tới các khu dân cư, hệ thống xe buýt còn cũ kỹ, thái độ tiếp xúc chưa văn minh, hiện đại... Vì vậy, công tác quản lý BRT phải có sự khác biệt so với xe buýt thông thường, bảo đảm hệ thống thông tin hai chiều từ quản lý đến hành khách và ngược lại; tại các trạm chờ BRT phải có nhà gửi xe máy, xe đạp..., có như vậy mới thu hút người dân tham gia BRT.

Theo ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông công cộng luôn đi sau so với nhu cầu đi lại của người dân, vì vậy dẫn đến hệ quả là phương tiện giao thông cá nhân phát triển khá nhanh tạo nên áp lực rất lớn cho hạ tầng giao thông. Vì vậy, thời gian qua, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam làm việc với các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng xây dựng hệ thống BRT. Đến nay, Hà Nội đã triển khai giai đoạn 1, ở Đà Nẵng từ tháng 5-2014 tiến hành khảo sát thiết kế.

T.S
 

;
.
.
.
.
.