.
Đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá

Bài 3: Cần hiện đại và chuyên nghiệp

.

Theo Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT), có ít nhất 30% lượng hải sản bị hao hụt trên biển hằng năm, nguyên nhân chính là chất lượng bảo quản kém. Vì thế, sự ra đời các tổ dịch vụ hậu cần nghề cá trực tiếp trên biển, đặc biệt tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là điều hết sức cần thiết.

Tàu hậu cần ĐNa 90444 trên đường đi thu mua hải sản.
Tàu hậu cần ĐNa 90444 trên đường đi thu mua hải sản.

Tổ hậu cần số 1 Đà Nẵng

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng cho rằng, hậu cần nghề cá hết sức quan trọng. Nếu hậu cần tốt sẽ giúp ngư dân bám biển dài ngày, tàu cá tiết kiệm thời gian vào ra, chi phí ít, chất lượng sản phẩm được nâng lên, nói đúng hơn là đánh bắt hiệu quả.

Từ thực tế trên, năm 2012, thành phố Đà Nẵng đã hình thành mô hình đầu tiên: Tổ dịch vụ hậu cần nghề cá khai thác xa bờ số 1 Đà Nẵng (gọi tắt là tổ hậu cần số 1) với 4 phương tiện. Tổ hậu cần số 1 thật ra đã thai nghén hàng chục năm trước và người khai sinh ra nó không ai khác chính là lão ngư Lê Mến (phường Thuận Phước, quận Hải Châu).

Ông Lê Mến cho biết, năm 1978, ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản gặp không ít khó khăn, cá thường xuyên bị ươn vì không có đá để ướp. “Mỗi lần ra khơi, kéo lưới, ngư dân chỉ chọn lấy những con cá to, cá nhỏ phải vứt lại biển, nhưng khi về bờ, cá vẫn bị ươn phải bán rẻ như cho”, ông Mến chia sẻ. Từ thực tế đó, ông Mến đóng tàu hậu cần để thu mua hải sản ngay trên biển và cung cấp đá cho ngư dân ướp cá. Trải qua thời gian dài, công việc làm ăn thuận lợi, ngư dân cũng hưởng được nhiều cái lợi từ con thuyền hậu cần nhỏ của ông Mến.

Tuy nhiên, thời gian sau đó, do gặp một số khó khăn nên ông bỏ nghề. Phải đến cả chục năm sau, ông Mến làm lại. Lúc này, ông mạnh dạn đóng tàu trên 300CV để vươn khơi xa hơn. Đến năm 2006, ông quyết định làm lớn, đóng con tàu hậu cần mang số hiệu ĐNa 90424 có công suất 520CV. “Đây là con tàu hậu cần lớn nhất thời đó. Sau khi có tàu, tôi đã cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm và thu mua hàng hóa cho hàng chục ngư dân trên biển từ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đến khu vực Trung Trung Bộ và cả vịnh Bắc Bộ”, ông Mến nhớ lại.

Đến năm 2012, gia đình ông Mến đóng tàu dịch vụ hậu cần có công suất 1.195CV, sau đó con ông là Lê Văn Sang nâng cấp thêm 100CV nữa. Từ khi có hai tàu hậu cần, một bộ phận ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ rất yên tâm, bởi đã có nơi thu mua hải sản và cung cấp nhu yếu phẩm cho mình ngay trên biển. Xác định làm công tác hậu cần là khi ngư dân cần thì phải đáp ứng ngay, do đó, ông cùng các con Lê Văn Sang, Lê Khánh liên kết gần 100 phương tiện đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng, Quảng Bình, Bình Định, Quảng Ngãi để phục vụ.

Mỗi tháng, khoảng 20 chuyến biển vào ra của hai tàu, ông Mến thu mua hải sản của hàng trăm lượt tàu đánh bắt xa bờ; đồng thời cung ứng nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho các tàu cá. “Làm hậu cần là không tính toán thiệt hơn. Mình phải làm bằng cả cái tâm để cho ngư dân yên tâm giữ biển. Có khi họ cần vài liều thuốc cảm, trong khi cách mình 40-50 hải lý, cũng chạy đến phục vụ. Các thứ khác như thịt, bia, nước uống, đôi lúc mình cho không, xem như đó là cái tình của mình dành cho họ. Chúng tôi như đội phản ứng nhanh trên biển, ngư dân gọi đâu là có đó”, ông Mến chia sẻ.

Phải chuyên nghiệp

Ông Lê Văn Sang - chủ tàu hậu cần lớn nhất miền Trung, cho biết mỗi năm hai tàu hậu cần ĐNa 90444 và ĐNa 90424 vận chuyển khoảng 140.000 lít dầu, 150.000 cây đá và hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm cho ngư dân đánh bắt xa bờ; đồng thời chuyên chở khoảng 3.000 tấn hải sản của hàng trăm lượt tàu vào đất liền để tiêu thụ...

Khu vực duyên hải miền Trung có hơn 46.000 tàu thuyền và 200.000 lao động khai thác hải sản. Tuy vậy, hiện nay, ngành dịch vụ hậu cần phục vụ cho ngư dân vẫn còn thiếu, chưa thực sự chuyên nghiệp.

Ngư dân Lê Văn Xin (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) - một lão ngư có thâm niên trên 30 năm với biển cả cho biết, đánh bắt ở ngư trường xa cần lắm những tàu hậu cần thu mua và cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, tàu dịch vụ hậu cần rất ít, một số tàu đi thu mua là chính. “Để nâng cao chất lượng hải sản, thời gian tới, Nhà nước nên quan tâm đến công tác hậu cần nghề cá. Phải có những công ty thu mua, cung ứng nhiên liệu, thực phẩm cho ngư dân bám biển dài ngày”, ngư dân Lê Văn Xin bày tỏ. Đồng quan điểm với ông Xin, ngư dân Trương Kiều Hưng, thuyền trưởng tàu QB 91766 cho biết, những năm qua, khai thác ở ngư trường miền Trung, ngoài hai tàu hậu cần ĐNa 90424 và 90444 của ngư dân Lê Văn Sang thu mua và cung cấp nhiên liệu, một số tàu khác chỉ có thu mua.

Quyền Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng Trần Văn Lĩnh trăn trở: “Hậu cần nghề cá cả nước nói chung, miền Trung và thành phố Đà Nẵng nói riêng vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu là một số tư nhân làm, Nhà nước chưa thực sự vào cuộc”. Điều đó rất đúng, do tập quán làm ăn riêng lẻ, tự cung, tự cấp, chưa liên kết được nên nghề hậu cần chưa phát triển. Hiện tại, thành phố Đà Nẵng có 5 phương tiện làm dịch vụ hậu cần, trong đó 4 phương tiện ở tổ dịch vụ hậu cần số 1 Đà Nẵng; trong đó, số tàu đáp ứng tiêu chí cung ứng và thu mua thì chưa đến một nửa.

Bổ sung thêm vào “đội quân” làm dịch vụ hậu cần nghề cá còn có chiếc tàu vỏ thép mang tên Sang Fish 01 làm nghề lưới vây kiêm hậu cần vừa đi chuyến biển đầu tiên. Chủ tàu nói trên là ông Lê Văn Sang và hiện đang đàm phán với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - Chi  nhánh Đà Nẵng để tiếp cận nguồn vốn vay của Chính phủ từ Nghị định 67/2014/NĐ-CP nhằm đóng mới con tàu hậu cần bằng vật liệu composite hai thân trị giá hơn 5 tỷ đồng, với chiều dài trên 30 mét, chiều rộng khoảng 10 mét. Theo ông Lê Văn Sang, tàu làm bằng vật liệu composite sẽ có tốc độ di chuyển nhanh hơn, phù hợp với công việc hậu cần trên biển. “Con tàu này ra đời sẽ phục vụ cho ngư dân một cách chuyên nghiệp hơn, giúp họ yên tâm bám biển dài ngày hơn”, Lê Văn Sang cho biết.

Trong khi đó, để tiêu thụ sản phẩm của mình, chủ các tàu hậu cần đã liên kết với các cơ sở chế biến để tiêu thụ sản phẩm kịp thời. Trước khi mở rộng ngành dịch vụ hậu cần nghề cá, gia đình lão ngư Lê Mến đã đầu tư 3 phương tiện ô-tô đông lạnh vận chuyển hải sản đi tiêu thụ. Theo ông Mến, mỗi chuyến biển về, các phương tiện ô-tô đến bến bốc và chở sản phẩm đi tiêu thụ tại các chợ, các nhà máy chế biến tại các tỉnh khu vực miền Trung và một số thành phố lớn trên cả nước. Chính nhờ “mua tận gốc, bán tận ngọn” nên lợi nhuận đem lại cao, các lao động trên tàu hậu cần cũng có thu nhập từ 8-12 triệu đồng/tháng. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư thêm phương tiện vận chuyển, mở xưởng đông lạnh để bảo quản sản phẩm; đồng thời mở rộng thị trường ra các nước Lào, Camphuchia để tiêu thụ sản phẩm”, ông Mến cho hay.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.