ĐNĐT - Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được hình thành, tạo ra một thị trường chung duy nhất, chắc chắn sẽ có những tác động trực tiếp đối với thành phố Đà Nẵng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu.
Quảng cảnh hội thảo |
Nhận định này được đưa ra tại hội thảo tổ chức tại Đà Nẵng sáng 14-8 về “Cộng đồng kinh tế ASEAN và các Hiệp định (FTA) mà Việt Nam tham gia”.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết khẳng định: AEC hình thành vào năm 2015 chắc chắn sẽ có những tác động trực tiếp đối với thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp (DN) cũng như chính các cơ quan quản lý Nhà nước về AEC và các FTA mà Việt Nam tham gia vẫn chưa tận dụng được lợi thế từ FTA để thâm nhập sâu rộng vào thị trường nước ngoài cũng như chưa có đủ năng lực để đối phó với sự cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh hội nhập.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cũng nhấn mạnh, hội nhập kinh tế đã, đang và sẽ tác động trực tiếp tới việc hoạch định chính sách của cơ quan quản lý, hoạt động kinh doanh của các DN và việc làm, thu nhập của người dân. Vì vậy, hội thảo là dịp để các cơ quan quản lý và cộng đồng DN Đà Nẵng cập nhật thông tin về Cộng đồng kinh tế AEC và các FTA mà Việt Nam tham gia. Đây cũng là cơ hội để Bộ Công thương lắng nghe các ý kiến của địa phương, những quan tâm vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động kinh doanh, đầu tư quốc tế.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) nhằm mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư - kinh doanh từ bên ngoài. Trên cơ sở kết quả thực hiện VAP (phần về AEC) nhất là việc đã cơ bản hoàn thành Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), ASEAN đã nhất trí thông qua Kế hoạch tổng thể về AEC với những đặc điểm và nội dung sau : Đến năm 2015, ASEAN sẽ trở thành: một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề ; Một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao; Một khu vực phát triển kinh tế đồng đều, nhất là thực hiện có hiệu quả Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI); Một khu vực ASEAN hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời, ASEAN nhất trí đề ra Cơ chế thực hiện và Lộ trình chiến lược thực hiện Kế hoạch tổng thể. |
Tin và ảnh: X. Duyên