Việc Đà Nẵng coi phát triển công nghệ thông tin - truyền thông và đào tạo chất lượng cao là một trong những định hướng chiến lược trong kế hoạch phát triển cũng sẽ là nhân tố thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư. (Ảnh: Internet) |
Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đang có vị trí như thế nào đối với các công ty công nghệ trong nước và nước ngoài? Và 3-5 năm nữa, miền Trung sẽ có vị trí như thế nào trên bản đồ công nghệ Việt Nam…?
Lợi thế về nguồn nhân lực
Theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software (thuộc Tập đoàn FPT), so với Hà Nội và TP.HCM, khu vực miền Trung là thị trường mới nổi và mới chỉ có một số ít công ty công nghệ tham gia vào thị trường khu vực này. Tuy nhiên, đây là một thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt là về nguồn nhân lực.
Đơn cử như với FPT Software Đà Nẵng, trong 3 năm qua, công ty luôn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình về doanh thu và nhân lực trên 50%/năm. Theo kế hoạch phát triển, FPT Software Đà Nẵng sẽ đạt 2.500 nhân viên vào năm 2015.
Ông Tiến cho rằng trong tương lai gần, miền Trung sẽ trở thành nơi cung cấp đáng kể nguồn lực công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vì người miền Trung có truyền thống về sự bền bỉ, nhẫn nại, khả năng vượt khó cao. Bên cạnh đó, với sự gia tăng đầu tư vào miền Trung thì cũng sẽ có nhiều hơn các dự án tin học phục vụ cho chính quyền/doanh nghiệp tại khu vực.
Trong thời gian tới, nếu có chính sách thích đáng về đầu tư, đặc biệt về đào tạo như ngoại ngữ, định hướng đúng đắn về công nghệ… thì các tỉnh, thành miền Trung có thể phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Đà Nẵng dần chiếm ưu thế
Theo nhận định của ông Hoàng Nam Tiến, Đà Nẵng hiện tại đang xây dựng hình ảnh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam, điều này hấp dẫn không chỉ đối với người miền Trung mà cả cho các nhân tài từ các nơi khác cũng như đối với khách hàng. Việc Đà Nẵng coi phát triển công nghệ thông tin - truyền thông và đào tạo chất lượng cao là một trong những định hướng chiến lược trong kế hoạch phát triển cũng sẽ là nhân tố thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư.
Thách thức hiện tại là công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông tại thị trường Đà Nẵng thời gian phát triển chưa lâu, vì vậy số lượng các chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm công việc đang chưa nhiều. Trong giai đoạn ngắn hạn, điều này gây khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp công nghệ tại Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, dù Đà Nẵng rất nỗ lực nhưng các thành phố như Hà Nội hay TP.HCM đã đi trước khá lâu và khá xa trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông và đã xây dựng được uy tín nhất định trên thế giới, trong khi Đà Nẵng vẫn ít được biết đến hơn. Vì vậy các doanh nghiệp đầu tư tại Đà Nẵng sẽ phải bỏ nhiều công sức hơn để thuyết phục các khách hàng nước ngoài.
Đà Nẵng có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, ham học hỏi sẽ là những nhân tố thuận lợi cho việc triển khai cung cấp các dịch vụ xuất khẩu phần mềm và dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO – Business Process Outsourcing).
Theo báo cáo thị trường việc làm ngành công nghệ thông tin năm 2014 của Hiệp hội Công nghệ thông tin truyền thông (ICT) Malaysia vừa công bố, thì Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trong ngành ICT hấp dẫn nhất trong các nước Đông Nam Á (ASEAN), thậm chí trên các quốc gia có nền công nghệ thông tin phát triển sớm như Mỹ, Canada, Anh, Ấn Độ, Trung Quốc.
Đáng chú ý, trong đó các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang là nơi trả lương cao cho lao động ICT có trình độ cao, gấp gần 3,7 lần tại Kuala Lampur và xếp trên một số thành phố lớn như Thượng Hải, Seatle, New York, Chicago, Hongkong...
Tổng hợp theo VnEconomy