.

Sớm nhân rộng mô hình chợ văn minh, an toàn

.

Yêu cầu đặt ra đối với các chợ đô thị loại 1 không chỉ dừng ở tiêu chí chợ văn minh thương mại mà còn phải hướng đến mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thực trạng ngành hàng ăn uống tại một số chợ rất đáng báo động về VSATTP.
Thực trạng ngành hàng ăn uống tại một số chợ rất đáng báo động về VSATTP.

Thí điểm chợ Hàn

Theo Sở Công thương thành phố, chợ Hàn được công nhận là chợ văn minh thương mại, chợ du lịch. Do đó, việc chọn chợ Hàn làm thí điểm chợ an toàn thực phẩm là điển hình và thuận lợi. Tại chợ, có 143 hộ kinh doanh mặt hàng thực phẩm, 100% hộ đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Đây là chợ đầu tiên được xây dựng theo tiêu chuẩn chợ ATTP theo chỉ đạo mới từ Bộ Công thương đối với các tỉnh, thành phố. An toàn trên các phương diện: an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai, VSATTP, vệ sinh môi trường.

Theo các tiêu chí đặt ra cho chợ thí điểm VSATTP, Đà Nẵng áp dụng mô hình này với những quy định cụ thể về diện tích, quy cách quầy hàng, bố trí thiết bị phục vụ kinh doanh, kết cấu nền chợ, hố chứa nước thải, rãnh thoát nước và hệ thống điện, nước…

Ông Huỳnh Ngọc Quý, Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Hàn cho biết, việc chọn thí điểm chợ Hàn là chợ ATTP là một trách nhiệm lớn đối với BQL, tiểu thương cũng như phía đối tác của chợ. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của tiểu thương, BQL còn phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục VSATTP để hướng dẫn hộ kinh doanh gắn nhãn mác cho sản phẩm, bảo quản thực phẩm…

Theo lộ trình, trong năm 2014 sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình chợ ATVSTP tại chợ Đống Đa và chợ Hòa Khánh. Năm 2015 triển khai tại chợ Đầu mối Hòa Cường và chợ Mới Hòa Thuận; sau đó sẽ triển khai tại các chợ cấp 2 và cấp 3 trực thuộc các quận, huyện. Khi đề cập vấn đề này, BQL một số chợ và Phòng Kinh tế các quận, huyện có ý kiến cho rằng, lộ trình như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, muốn nhân rộng mô hình chợ ATTP đến các chợ cấp 2, cấp 3, cần nguồn kinh phí và sự quan tâm từ phía thành phố, các quận, huyện và các nhà đầu tư.

Khó khăn, càng phải quyết tâm

Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố nhấn mạnh: Mục tiêu của mô hình là từng bước nâng cao nhận thức của người bán hàng và người tiêu dùng về văn hóa kinh doanh, văn hóa tiêu dùng. Do đó, các chợ không thể lấy lý do khó khăn này, trở ngại khác mà không thực hiện hay trì hoãn kế hoạch xây dựng chợ đảm bảo ATVSTP.

Khó khăn lớn đặt ra với chợ Đầu mối Hòa Cường là 70% sản phẩm nông sản rau - củ - quả được nhập từ các vùng trong cả nước; 30% hàng hóa nông sản được nhập từ Trung Quốc. Trước tình trạng hàng hóa mất an toàn đang trôi nổi, lan tràn và phổ biến trên thị trường hiện nay, việc bảo đảm ATTP đặt ra không ít nỗi lo. Trong khi các chi phí cho việc xét nghiệm mẫu hàng hóa khá tốn kém, mà các mẫu xét nghiệm thường kéo dài từ 15 đến 20 ngày mới có kết quả, khi đó nếu có “vấn đề” gì xảy ra thì hàng hóa sẽ khó có thể thu hồi.

Nói về những tồn tại của chợ Hòa Khánh, ông Phạm Phước, Trưởng BQL các chợ quận Liên Chiểu cho hay: Đối tượng tiêu dùng thực phẩm tại chợ phần lớn là người địa phương, sinh viên, công nhân nên ít quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm. Một số tiểu thương chạy theo lợi nhuận, coi thường tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng; việc xử lý vi phạm chưa thường xuyên, còn nương nhẹ và thiếu kiên quyết. Theo kế hoạch, chợ Hòa Khánh dự kiến chọn ngành hàng tạp hóa, thực phẩm, gia vị, gạo với 65 hộ làm trước. Qua đó, đến năm 2015 sẽ chọn tiếp bún, mắm, nem chả, lòng gà mổ, ăn uống, trái cây với 300 hộ  và tiếp đó là rau - củ - quả, thủy hải sản với 468 hộ.  

Ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc Công ty Quản lý hội chợ, triển lãm và các chợ Đà Nẵng cho biết: Trong từng giai đoạn, đối với các chợ được chọn thí điểm, BQL các chợ và công ty sẽ phối hợp chặt chẽ để thành lập và điều hành Tổ công tác chuyên trách về xây dựng Chợ văn minh - an toàn. Tổ chuyên trách này có nhiệm vụ hướng dẫn các tiểu thương mỗi ngày ghi chép đầy đủ vào sổ các thông số có liên quan về hàng hóa của mình. Trên cơ sở đó, khi có vấn đề liên quan đến ATVSTP, cơ quan chức năng ở địa phương sẽ thuận lợi và dễ dàng khi xử lý vi phạm.

Để thí điểm mô hình Chợ văn minh - an toàn thành công, một số BQL chợ đề xuất được trang bị các thiết bị dùng để kiểm tra nhanh nhằm phát hiện các chất bảo quản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, chợ cần đầu tư kinh phí bồi dưỡng trình độ cán bộ làm công tác quản lý chợ; thường xuyên tập huấn về VSATTP cho tiểu thương; đồng thời cấp các giấy chứng nhận đủ điều kiện cho các cơ sở kinh doanh đã tham gia tập huấn.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.