Ngày 15-8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 22/2014/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Thông tư quy định điều kiện vay đối với cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần khai thác hải sản, cụ thể như sau: Tàu đóng mới phải có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên; nâng cấp tàu có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.
Chủ tàu có tên trong danh sách phê duyệt của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là người đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể; chủ tàu cam kết mua đầy đủ bảo hiểm theo quy định đối với thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu sau khi hoàn thành việc đóng mới, nâng cấp tàu và trước khi đưa vào sử dụng; phương án vay vốn được ngân hàng thương mại thẩm định có hiệu quả, khả thi.
Đối với cho vay vốn lưu động, điều kiện vay là chủ tàu đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể và phương án vay vốn được ngân hàng thương mại thẩm định có hiệu quả, khả thi.
Các đối tượng sẽ được vay tối đa từ 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu với thời hạn vay là 11 năm.
Riêng năm đầu tiên ngư dân được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, phương thức và thủ tục cho vay thuận tiện, phù hợp. Đặc biệt, ngư dân chỉ phải trả lãi suất từ 1-3%/năm tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và tổng công suất máy chính đối với tàu đóng mới, nâng cấp.
Thời hạn cho vay vốn lưu động do ngân hàng thương mại và chủ tàu thỏa thuận nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25-8-2014.
BizLive