Kinh tế

Chống thất thu thuế ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn

Bài 1: Đủ kiểu lách

07:23, 01/12/2014 (GMT+7)

Triển khai công tác chống thất thu ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, đến tháng 10-2014, Cục Thuế thành phố đã tiến hành kiểm tra 198 doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh; qua đó xử lý truy thu và phạt 2,85 tỷ đồng, giảm lỗ 6,2 tỷ đồng, giảm khấu trừ 753 triệu đồng, điều chỉnh tăng doanh thu 1,14 tỷ đồng/tháng, điều chỉnh tăng thuế 115,6 triệu đồng/tháng.

Từ đó cho thấy, một khoản thất thu lớn cho ngân sách trên lĩnh vực này. Vấn đề đặt ra là giải pháp nào và đến bao giờ mới cơ bản bảo đảm công bằng trong thu thuế.

Việc kiểm tra, kiểm soát thu thuế lĩnh vực nhà hàng, khách sạn cần chặt chẽ hơn để tránh thất thu.
Việc kiểm tra, kiểm soát thu thuế lĩnh vực nhà hàng, khách sạn cần chặt chẽ hơn để tránh thất thu.

Không xuất hóa đơn, khai giảm doanh thu

Ông Trần Văn Miên, Cục trưởng Cục Thuế thành phố cho rằng, số thu chưa lớn nhưng qua hoạt động kiểm tra, rà soát, xử phạt như vậy đã góp phần giải quyết được hai vấn đề: Công bằng trong thu thế và quản lý chặt hơn nhằm hướng đến hạn chế đến mức có thể tình trạng thất thu trong lĩnh vực này.

Theo số liệu Chi cục Thuế quận Hải Châu cung cấp, tính đến tháng 11-2014, toàn quận có 62 DN kinh doanh khách sạn với doanh thu 207 tỷ đồng, đóng thuế 3,4 tỷ đồng; 1.089 hộ kinh doanh ăn uống với doanh số 24,7 tỷ đồng/tháng, nộp thuế 755 triệu đồng/tháng.

Riêng hộ kinh doanh ăn uống, với số tiền nộp thuế như trên thì tính trung bình một hộ chỉ nộp ở mức khiêm tốn khoảng 733.000 đồng/tháng. Số thu như vậy liệu có tương xứng với quy mô, số lượng hộ kinh doanh ăn uống trên địa bàn quận trung tâm như Hải Châu?

Tại quận Sơn Trà, tính đến hết tháng 10-2014, trên địa bàn có 67 nhà hàng (trong đó quận Sơn Trà quản lý 54 cơ sở), 43 quán nhậu chủ yếu tập trung ở các tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Hồ Nghinh, Ngô Quyền, Nguyễn Văn Thoại…

Có 97 hộ kinh doanh ăn uống đóng thuế khoán với mức thuế cao nhất khoảng 12 triệu đồng/tháng/hộ. Hộ kinh doanh ăn uống có mức đóng thuế tự khai cao nhất là 110 triệu đồng/tháng. Để hạn chế tình trạng thất thu thuế ở lĩnh vực ăn uống, nhà hàng, từ đầu năm đến nay, Chi cục Thuế quận Sơn Trà đã tiến hành kiểm tra, rà soát, qua đó xử lý 21 trường hợp kinh doanh nhà hàng, khách sạn bán hàng không xuất hóa đơn, truy thu 508 triệu đồng, giảm lỗ 1,534 tỷ đồng và giảm khấu trừ 140 triệu đồng.

Ông Dương Đình Hạng, Chi cục phó Chi cục Thuế quận Sơn Trà nhìn nhận, việc người dân, khách du lịch chưa có thói quen sử dụng hóa đơn khi tiến hành mua bán đã tạo kẽ hở cho nhà hàng, hộ kinh doanh lợi dụng để khai giảm doanh thu nhằm nộp thuế ít đi. Một cán bộ thuế (xin được giấu tên) ở Đội thuế liên phường quận Sơn Trà cho biết, tâm lý chung của người kinh doanh, buôn bán là thường khai giảm doanh số, chỉ khai đúng các khoản chi phí. Cũng có trường hợp cán bộ thuế bị “hớ” trong quá trình xác định doanh thu của hộ kinh doanh nên phải điều chỉnh vào các quý, tháng tiếp theo.

Khách vào 10 chỉ khai 5

Theo thống kê sơ bộ của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, toàn thành phố hiện có 427 cơ sở lưu trú với 15.465 phòng, công suất buồng phòng ước đạt 53%. Số khách lẻ không thông qua các công ty lữ hành chiếm hơn 40% tổng số khách tham quan, lưu trú tại thành phố Đà Nẵng.

Trong 2 năm gần đây, xu hướng khách đi lẻ tăng dần. Nhiều cán bộ thuế có kinh nghiệm lâu năm trong nghề chia sẻ, vì lượng khách đi lẻ, không theo tour, tuyến ngày càng nhiều nên việc xác định được con số cụ thể lượng khách ra vào khách sạn, nhà nghỉ rất khó. Chính vì vậy, ở lĩnh vực khách sạn, cơ quan thuế đang gặp không ít khó khăn trong việc xác định doanh thu để đấu tranh chống thất thu.

Trung tá Võ Như Nghĩa, Trưởng phòng Tổng hợp, Công an quận Sơn Trà cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiến hành lập biên bản, xử phạt 127 cơ sở kinh doanh có điều kiện, trong đó xử phạt hành chính 8 trường hợp khách sạn, nhà nghỉ vi phạm không vào sổ lưu trú khi khách đến thuê phòng với tổng số tiền hơn 24 triệu đồng, như: khách sạn P.B (phường Phước Mỹ), nhà nghỉ M.H, A.H (phường An Hải Bắc)…

Một cán bộ công an trực tiếp quản lý lĩnh vực này cũng chia sẻ, rất hiếm khách sạn, nhà nghỉ khai thực số khách vào thuê phòng, chuyện vào ở 10 nhưng chỉ khai 5 là bình thường. Còn theo Thượng tá Trần Phước Hương, Trưởng phòng Tham mưu, Công an thành phố Đà Nẵng, hiện nay ý thức của người dân trong việc đăng ký tạm trú, lưu trú đã tốt hơn nhiều, chỉ trừ những trường hợp muốn trốn thuế.

Từ đầu năm đến nay, ngành Công an đã tiến hành kiểm tra 1.600 lượt cơ sở kinh doanh có điều kiện (nhà nghỉ, khách sạn, hiệu cầm đồ…), qua đó xử phạt 230 trường hợp với số tiền 217 triệu đồng, chủ yếu vi phạm về không đăng ký lưu trú, địa chỉ kinh doanh…

Bài và ảnh : KHÁNH HÒA

.