Sau nhiều năm, nhất là từ năm 2012 đến nay, ngành Công thương và các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố đã chú trọng sản xuất các mặt hàng lưu niệm du lịch, đáp ứng nhu cầu mua hàng lưu niệm cho khách du lịch khi đến Đà Nẵng. Đến nay, trên địa bàn thành phố có hàng trăm loại sản phẩm, với nhiều chất liệu khác nhau đã được tung ra thị trường và đến với khách du lịch.
Du khách người Hàn Quốc đang chọn mua đồ lưu niệm tại Đà Nẵng. Ảnh: Đắc Mạnh |
Tuy nhiên, sản phẩm lưu niệm du lịch còn nghèo nàn, phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Mặt hàng duy nhất còn thu hút được khách là các sản phẩm của làng đá Non Nước. Song mặt hàng này có nhược điểm là nặng, độ bền chưa cao nên cũng ít được du khách lựa chọn.
Nhiều, nhưng chưa độc đáo
Đến nay, đã có 12 DN được công nhận là có sản phẩm (với hàng trăm sản phẩm) tham gia vào Chương trình phát triển hàng lưu niệm du lịch của thành phố (được hỗ trợ kinh phí…). Song tựu trung, cả thành phố vẫn chưa có sản phẩm nào xứng tầm, đạt được các tiêu chuẩn đề ra, hầu hết vẫn còn ở dạng thử nghiệm và thăm dò thị trường.
Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Liên Trần là 1 trong 2 đơn vị mới được công nhận tham gia chương trình trong năm 2014, được đánh giá là đơn vị có những sản phẩm nhiều triển vọng như móc chìa khóa, mô hình cầu Rồng, áo du lịch. Mặc dù là đơn vị có sản phẩm được tiêu thụ mạnh thời gian gần đây, nhưng cũng chưa thực sự thuyết phục. Việc tiêu thụ các sản phẩm này vẫn dựa vào các khách sạn, các công ty du lịch là chủ yếu, chưa có hệ thống cửa hàng trưng bày.
Vì sao có tình trạng này? Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân chính là các đơn vị tham gia sản xuất hàng lưu niệm du lịch mới chỉ sản xuất các sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính, tay nghề và các điều kiện thiết bị hiện có của DN. Các DN này khi sản xuất ra sản phẩm chưa tính tới nhu cầu, tiện ích để khách du lịch khi mua sản phẩm về làm quà.
Thực tế, có sản phẩm quá nặng như các sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước, có sản phẩm khá cồng kềnh như mô hình cầu Rồng…; trong khi nhu cầu của khách là nhỏ gọn, đặc sắc, thuận tiện. Thực chất là các đơn vị đang bán những sản phẩm sản xuất được, chứ chưa phải sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách. Điều này là do các DN chưa đầu tư lâu dài, không thiết kế sản phẩm căn cứ vào các yêu cầu của du khách, tính độc đáo mang dấu ấn văn hóa, tính đặc thù của Đà Nẵng
Xúc tiến thương mại, nhân tố quyết dịnh
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có duy nhất tuyến đường Trường Sa (tại phường Hòa Hải) chuyên bán các sản phẩm của Làng đá mỹ nghệ Non Nước, với 13 cơ sở chuyên kinh doanh các mặt hàng này.
Thành công bước đầu của khu phố chuyên doanh này là định hướng cho việc đưa các sản phẩm lưu niệm du lịch của thành phố đến gần hơn với du khách. Nhưng cũng từ đó, dễ dàng nhận ra khó khăn lớn nhất của các DN tham gia sản xuất các mặt hàng lưu niệm du lịch là chưa có một địa điểm tập trung để trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm này, đưa sản phẩm đến với du khách.
Hầu hết các sản phẩm này đang được tiêu thụ một cách tự phát, chủ yếu là gửi bán ở các khách sạn, các nhà hàng có đông khách du lịch lui tới. Song ngay cả hình thức này cũng không được các chủ khách sạn, các nhà hàng mặn mà vì chi phí hoa hồng còn thấp.
Như vậy, con đường để các sản phẩm lưu niệm du lịch của các DN đến với du khách còn đầy chông gai. Đây là vấn đề đã được UBND thành phố đặc biệt quan tâm.
Tại cuộc họp bàn về phát triển hàng lưu niệm du lịch năm 2013, lãnh đạo thành phố nhất trí giao hẳn tầng 2 của Trung tâm Hội chợ triển lãm của thành phố cho các hiệp hội và kêu gọi đầu tư để làm nơi trưng bày và giới thiệu sản phẩm hàng lưu niệm của các DN miễn phí.
Đến nay, đã hơn 1 năm, chưa có tổ chức, DN nào đầu tư thực hiện. Gần đây, UBND thành phố ban hành quyết định quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm lưu niệm du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong đó, tập trung thực hiện nhiều nội dung hỗ trợ như tổ chức sản xuất thử, thuê tư vấn thiết kế sản phẩm, đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ, đào tạo, xúc tiến thương mại, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh.
ĐỨC THỊNH