Kinh tế

Giá xăng giảm, giá hàng hóa không giảm

07:26, 26/12/2014 (GMT+7)

Dù giá xăng đã giảm tới 12 lần trong năm, nhưng giá các loại hàng hóa lại không có dấu hiệu giảm. Đây là một trong những nghịch lý khiến người dân hết sức bức xúc.

Các mặt hàng rau, củ, quả vẫn không giảm giá.
Các mặt hàng rau, củ, quả vẫn không giảm giá.

Có giảm gì đâu!

Qua khảo sát hàng chục mặt hàng thiết yếu và tiêu dùng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho thấy, hầu như không có sự điều chỉnh giảm giá nào mặc dù giá xăng, dầu liên tục giảm. Nếu có giảm chỉ nằm ở một số mặt hàng đang cung ứng dồi dào về số lượng theo mùa như trái cây, rau, củ…

Tại chợ Đầu mối Hòa Cường, những người buôn sỉ hàng rau, củ, quả cho biết “có thấy giảm gì đâu!”. Hiện giá các loại rau, củ, quả về chợ đang neo như các tháng trước, chưa có biến động lớn; thậm chí một số loại rau còn tăng cao hơn như rau muống, rau húng, xà lách mỡ…

“Chủ xe vin đủ lý do là những lần tăng giá trước đây lỗ chưa bù lại được, rồi lại thêm việc siết chặt tải trọng hàng hóa, nên họ đâu có chịu giảm cho những người buôn chuyến. Vì thế, giá vẫn y cũ, ngoại trừ những mặt hàng đang vào mùa giảm 1-2 giá”, bà Lê Thị Phương, chủ quầy hàng chợ Đầu mối Hòa Cường nói.

Các chợ bán lẻ cũng không có dấu hiệu giảm giá, khiến người tiêu dùng lo nơm nớp vào dịp cuối năm. Chị Nguyễn Thị Mỹ Lan, hộ kinh doanh lâu năm ngành hàng khô tại chợ Hòa Khánh thừa nhận: Thời điểm cuối năm bao giờ giá các mặt hàng cũng nhích lên.

Việc tăng giá không phụ thuộc vào tình trạng thiếu hay đủ hàng mà cứ theo quy luật tăng dịp cuối năm. Không ít tiểu thương chợ lẻ còn quả quyết rằng, giá xăng, dầu dù có giảm tới 5.000-10.000 đồng/lít đi nữa thì thực phẩm thiết yếu cũng vẫn tăng cao nếu mất mùa hoặc do thiên tai, thời tiết.

Nguyên nhân

Giải thích về nguyên nhân chưa thể giảm giá theo mong đợi của người dân, đại diện các siêu thị đều lấy cớ “đang thương lượng với nhà cung cấp” hay việc tăng, giảm giá phải có “lộ trình” từ trước.

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại hệ thống Big C cho biết: “Sau khi có thông tin xăng, dầu giảm giá, Big C đã cập nhật và yêu cầu các nhà cung cấp xem xét lại giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, đến nay, tại Big C chưa nhận được phản hồi nào từ nhà cung cấp. Chúng tôi rất muốn giá hàng hóa giảm để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, song với các nhà cung cấp thì việc giảm giá phải có lộ trình nhất định”.

Đại diện các siêu thị Lotte Mart, Co.opMart, Metro cũng cho rằng, phải chờ đợi thêm thời gian để nhà cung cấp và nhà bán lẻ thương lượng với nhau giảm giá cụ thể như thế nào. Đại diện siêu thị Lotte Mart thông tin, việc giá hàng tiêu dùng ảnh hưởng khi giá xăng tăng hay giảm là không đáng kể vì phí vận chuyển đã được tính toán từ trước, không ảnh hưởng trực tiếp lên sản phẩm khi có biến động về giá nhiên liệu. Một khi có sự thay đổi về giá, nhà cung cấp phải có thông báo trước đó 30 ngày, nếu sớm nhất cũng từ 7-10 ngày.

Có thể thấy, dù giá nhiên liệu có giảm đến mấy, nếu không có sự tác động, điều hành từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước thì người tiêu dùng cũng không thể trông chờ sự giảm giá tự nguyện của các nhà sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, với sự can thiệp mạnh từ các bộ, ngành Trung ương, các đơn vị vận tải hàng hóa đã nhanh chóng thực hiện quy định về giảm giá cước. Tuy nhiên, với hàng hóa thiết yếu và tiêu dùng vẫn chưa có xu hướng giảm. Phải chăng các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có biện pháp hữu hiệu để điều tiết, chi phối và thực thi quyền hạn bảo đảm công bằng cho người tiêu dùng?  

Bà ĐỖ THỊ THI (cán bộ hưu trí phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê):

Cần có biện pháp can thiệp sớm

Giá xăng, dầu tăng một tí là người tiêu dùng phải gánh thêm chi phí từ bữa cơm hằng ngày, trong khi giá xăng, dầu giảm mạnh thì hàng hóa vẫn đứng yên. Cứ với đà này, nếu Nhà nước không có biện pháp quản lý sớm thì chắc chắn sẽ tạo ra tiền lệ xấu về sau. Tôi cho rằng, nếu phạt được các doanh nghiệp, công ty vận tải không chịu giảm giá cước thì cũng có thể phạt được những đơn vị sản xuất hàng hóa tiêu dùng không chịu giảm giá.

Chị LÊ THỊ MỸ Á (Công nhân Công ty Túi xách Yura, Khu công nghiệp Hòa Khánh):

Cứ như thế này bao giờ đời sống công nhân mới bớt khổ

Với đồng lương ít ỏi và hầu như không tăng, để bảo đảm chi phí hằng tháng, chúng tôi đều phải chắt bóp từng đồng. Không dám mua hàng ở siêu thị, các chợ lớn mà chỉ mua ở những chợ vỉa hè, chợ công nhân giá rẻ, dù biết chất lượng của các món hàng rất thấp. Khi nghe tin giá xăng, dầu giảm, công nhân tụi em rất vui vì tiết kiệm được một khoản tiền xăng xe hằng tháng nhưng lại thấy buồn vì hàng hóa không giảm được như mong muốn. Nếu đồ ăn thức uống hằng ngày cũng giảm mạnh hơn nữa thì đời sống công nhân mới bớt cực hơn.

Bà NGUYỄN THỊ NGA (kinh doanh tạp hóa tại Nam Ô 2, phường Hòa Hiệp Nam):

Muốn kéo giá hàng hóa xuống phải quản lý từ gốc

Thực ra, những người bán lẻ như chúng tôi cũng không hưởng lợi gì từ việc tăng giá các mặt hàng. Người bỏ hàng thông báo tăng giá hay giảm giá thì buộc người bán lẻ phải tăng, giảm. Chúng tôi chỉ muốn các mặt hàng hạ giá để bán được nhiều thì mới có lời. Theo tôi, việc giá cả cứ đứng yên như thời gian qua là bởi cơ quan chức năng chưa quản lý tận gốc giá của từng mặt hàng để từ đó buộc nhà sản xuất, nhà buôn tuân theo kế hoạch của Nhà nước.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

.