Kinh tế

Thách thức quản lý tài chính đô thị

07:31, 07/01/2015 (GMT+7)

Đầu tư phát triển đô thị Đà Nẵng đòi hỏi có nguồn tài chính đảm bảo. Tuy nhiên, hiện tại mức đầu tư xây dựng chỉ đạt 10% nhu cầu vốn. Do đó, quản lý tài chính đô thị đang đặt ra thách thức và cần đổi mới về giải pháp quản lý trong mục tiêu phát triển bền vững.

Các dịch vụ công về xử lý nước thải, vệ sinh môi trường… sẽ đấu thầu thực hiện để tăng hiệu quả sử dụng vốn ngân sách thành phố. Trong ảnh: Xử lý nước thải ở Khu công nghiệp Hòa Cầm.
Các dịch vụ công về xử lý nước thải, vệ sinh môi trường… sẽ đấu thầu thực hiện để tăng hiệu quả sử dụng vốn ngân sách thành phố. Trong ảnh: Xử lý nước thải ở Khu công nghiệp Hòa Cầm.

Theo Sở Tài chính, giai đoạn 2011-2013 với phân cấp nguồn thu ngân sách, thành phố mới đáp ứng được nhu cầu cơ bản để chi thường xuyên. Nguồn thu còn lại chỉ đáp ứng một phần cho đầu tư phát triển, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường.

Do đó, để đầu tư phát triển đô thị, thành phố đã huy động nhiều nguồn lực từ vốn ngân sách, vốn ODA và tập trung khai thác quỹ đất để tạo nguồn thu tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, phát triển giao thông. Việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp cũng có sự kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Những năm qua, để nâng cao hiệu quả quản lý tài chính đô thị, thành phố đã triển khai những giải pháp quản lý. Ở lĩnh vực dịch vụ vệ sinh môi trường, thành phố thực hiện theo hình thức đặt hàng và nghiệm thu khối lượng để cấp phát kinh phí đối với trên 550 tuyến đường với mức kinh phí bình quân hằng năm 82 tỷ đồng. Dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải sử dụng kinh phí trên 40 tỷ đồng; dịch vụ cây xanh - công viên sử dụng ngân sách 77 tỷ đồng/năm. Dịch vụ chiếu sáng sử dụng 42 tỷ đồng vốn ngân sách/năm. Đối với hoạt động bảo trì đường bộ với mức kinh phí được bố trí hằng năm bình quân 31 tỷ đồng…

Tuy nhiên, trước yêu cầu của đô thị hóa và xây dựng mục tiêu phát triển bền vững thì công tác quản lý tài chính đô thị đặt ra nhiều thách thức. Theo Sở Tài chính thành phố, nhu cầu vốn đầu tư của thành phố hằng năm cần 10.000 tỷ đồng, tuy nhiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản được phân bổ chỉ 1.000 tỷ đồng, chiếm 10%. Ảnh hưởng từ nguồn thu ngân sách nên Đà Nẵng có trên 1.500 tuyến đường nhưng chỉ có 1/3 số lượng tuyến đường thực hiện đặt hàng thực hiện thu dọn vệ sinh; chăm sóc cây xanh, duy tu bảo dưỡng đường bộ.

Với sự phát triển của đô thị ngày càng mở rộng về quy mô và yêu cầu chất lượng dịch vụ công trình đô thị ngày càng cao thì vấn đề quản lý tài chính đô thị đặt ra nhiều thách thức. Để giải bài toán về quản lý tài chính đô thị, Sở Tài chính cho biết, ngoài các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách thì việc đổi mới và tiếp cận các giải pháp khác cần được thực hiện.

Theo đó, thành phố Đà Nẵng sẽ đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có kế hoạch phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay tín dụng ưu đãi. Ngoài ra, thực hiện huy động vốn qua hình thức đầu tư BT từ khu vực tư nhân, tiếp cận với mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công tư để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật của thành phố. Thành phố Đà Nẵng cũng tiếp tục triển khai xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường nhằm huy động nguồn vốn từ xã hội, giảm áp lực chi từ vốn ngân sách.

Bước đột phá trong quản lý tài chính đô thị là triển khai ngay Luật Đầu tư để lập kế hoạch đầu tư công dài hạn, chấn chỉnh công tác lập quy hoạch, phân loại mức độ ưu tiên đầu tư các công trình, dự án phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của thành phố.

Đối với các dịch vụ công phục vụ đô thị, thành phố triển khai đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp các dịch vụ duy tu bảo dưỡng hệ thống giao thông, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường. Do đó, các doanh nghiệp tham gia thực hiện các dịch vụ công phải đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng hiệu quả.

Ở lĩnh vực quản lý đầu tư, thực hiện nhiệm vụ công khai, minh bạch trong việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư khi tham gia các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Nguồn tài chính đô thị được công khai để các tổ chức, cá nhân tham gia giám sát việc sử dụng nguồn tài chính công.

Đà Nẵng công khai tài chính đô thị đến nhà đầu tư

“UBND thành phố Đà Nẵng đã thực hiện công khai số liệu dự toán và quyết toán ngân sách đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó có các nhà đầu tư ở thành phố. Việc công khai qua hình thức gửi văn bản theo biểu mẫu quy định trong vòng 60 ngày kể từ ngày HĐND thành phố Đà Nẵng phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách năm. Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng cũng công khai việc tổ chức đấu thầu để thực hiện các công trình xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản của các cơ quan, đơn vị” (Nguồn: Sở Tài chính).

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

.