Kết nối cung - cầu trong “Năm Doanh nghiệp 2014” góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN), HTX tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phân phối, trao đổi thông tin, phát triển kinh doanh và mở rộng thị trường theo hướng bền vững.
Nhờ chương trình kết nối cung-cầu, các doanh nghiệp đã tìm được đầu ra cho sản phẩm. |
Theo Sở Công thương thành phố, hiện Đà Nẵng có 43 HTX sản xuất nông nghiệp, 5.057 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 916 DN thuộc các thành phần kinh tế, còn lại là các hộ sản xuất cá thể. Năm 2014, dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, bản thân nhiều DN phải “tự lực cánh sinh”, thế nhưng nhờ chương trình kết nối cung- cầu, các DN đã biết hỗ trợ lẫn nhau, giúp nhau vươn lên cùng phát triển.
Nông nghiệp được xem là ngành hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình kết nối cung - cầu. Thông qua hợp đồng hoặc thỏa thuận miệng, một số HTX trên địa bàn thành phố đã có sự liên kết để tiêu thụ sản phẩm nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc tìm đầu ra, đồng thời góp phần hạ giá thành sản phẩm.
Chẳng hạn, HTX Kinh doanh - sản xuất và chế biến nấm Như Mai đã cung cấp phân vi sinh từ bã nấm, cung cấp giống và hỗ trợ kỹ thuật trồng rau sạch cho các HTX trên địa bàn huyện Hòa Vang; nhận bao tiêu sản phẩm và cung cấp nấm rau sạch cho các công ty chuyên cung cấp suất ăn cho công nghiệp. Hoặc sản phẩm nấm, rau an toàn, rượu, trà linh chi của một vài HTX như An Hải Đông, Kim Thanh, làng rau La Hường cũng được bán trong hệ thống siêu thị như Co.op Mart, Intimex…
Trong lĩnh vực công nghiệp, các DN trên địa bàn thành phố cũng đã quan tâm đến việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau thông qua nhiều hợp đồng ký kết mua bán hàng hóa như chế biến thực phẩm, dệt may, trang thiết bị, vật tư y tế với sản xuất bao bì; sản xuất vật liệu xây dựng với các nhà thầu, nhà phân phối; sản xuất sản phẩm cơ khí với sản xuất thép tấm, thép hình các loại; sản phẩm của các DN FDI với nhau… Nhờ đó, chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm đã hạ rất nhiều lần, giải quyết được nguồn khan hiếm nguyên vật liệu cũng như gia tăng sức cạnh tranh với các DN khác.
Qua chương trình “Năm Doanh nghiệp 2014”, các kết nối giữa DN trên địa bàn thành phố đang từng bước gia tăng về số lượng và quy mô. Các bên tham gia kết nối hầu hết đã ghi nhận lợi ích rõ ràng từ việc hợp tác, đóng góp một phần quan trọng vào việc giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận hoặc doanh thu cho các bên. Nhiều DN đã có sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức ngày càng cao về vai trò, tầm quan trọng của liên kết, hợp tác tiêu thụ sản phẩm của nhau.
DN không chỉ nỗ lực tìm kiếm đối tác mới, tham gia vào các hội ngành nghề, hiệp hội DN mà còn hướng đến xây dựng mối quan hệ làm ăn lâu dài, ổn định, chú trọng gây dựng lòng tin ở nhau. “Từ chỗ hình thành một cách tự phát theo nhu cầu của một số DN, ít được cộng đồng DN quan tâm chú trọng, thì nay chương trình kết nối cung - cầu đã thu hút nhiều DN quan tâm, hưởng ứng và tích cực tham gia; đồng thời đã có sự đồng hành của cơ quan quản lý Nhà nước và các hiệp hội DN”, ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương chia sẻ.
Bên cạnh sản xuất các sản phẩm truyền thống, DN còn quan tâm mở rộng sản xuất hướng đến nhu cầu đa dạng của đối tác, sản xuất cái người khác cần thay vì cái mình có. Thông qua 2 chương trình kết nối cung - cầu sản phẩm của DN Đà Nẵng do Sở Công thương tham mưu UBND thành phố tổ chức trong năm 2014 đã tạo thuận lợi cho 300 lượt DN gặp gỡ, tìm hiểu, liên kết hợp tác sản xuất và kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh thành công, chương trình kết nối cung - cầu cũng còn gặp nhiều khó khăn khi liên kết DN mới chỉ dừng lại ở DN sản xuất với DN thương mại. Mặt khác, ngành công nghiệp hỗ trợ còn nhỏ bé chưa thể tham gia hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất.
“Khó khăn là do tinh thần đoàn kết của cộng đồng DN còn hạn chế. Một số DN còn e ngại, chưa thực sự cởi mở để chia sẻ thông tin cũng như học hỏi lẫn nhau, đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng DN Đà Nẵng”, ông Phan Văn Kha nhấn mạnh.
Tiếp tục nâng cao chất lượng kết nối cung - cầu, hướng đến kết nối bền vững hơn, Sở Công thương xúc tiến hoàn thành “Đề án Kết nối cung - cầu các sản phẩm của doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020” trình UBND thành phố phê duyệt. Đồng thời, tổ chức các hoạt động thường xuyên với nhiều nhóm DN theo các sản phẩm có thể liên kết với nhau, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cung - cầu, xây dựng quy chế và trình UBND thành phố bình chọn DN có đóng góp lớn vì sự phát triển của cộng đồng DN.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN