Kinh tế

Tiếp cận đất đai thuận lợi

08:30, 17/03/2015 (GMT+7)

Năm 2014 được coi là thời điểm doanh nghiệp (DN) tiếp cận đất đai khá thuận lợi nhờ các chính sách và cách làm mới của chính quyền.

Nhà đầu tư Nhật Bản rất hài lòng khi dễ dàng tiếp cận đất đai để đầu tư.
Nhà đầu tư Nhật Bản rất hài lòng khi dễ dàng tiếp cận đất đai để đầu tư.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng tiến hành công khai, minh bạch quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) và các thủ tục giao đất, cho thuê đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các thông tin về đất đai trên trang thông tin điện tử của sở và tại bảng niêm yết thông tin để tổ chức, công dân dễ dàng tiếp cận với các quy trình, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Sở cũng tham mưu cho UBND thành phố rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cấp GCN trên địa bàn Đà Nẵng so với quy định của Trung ương.

Đồng thời, để đẩy nhanh và hoàn thành việc cấp GCN, Sở TN&MT tham mưu cho thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp đẩy nhanh tiến độ cấp GCN, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, DN trong việc làm các thủ tục, hồ sơ về cấp GCN.

Kể từ năm 2014, tất cả những thông tin liên quan được công khai trên các trang thông tin điện tử của sở nên sự tiếp cận của các tổ chức, DN với các quy trình, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN&MT đã dễ dàng hơn. Ngoài ra, các tổ chức, DN nếu gặp vướng mắc gì trong các thủ tục về đất đai đều có thể đăng ký lịch đối thoại với lãnh đạo Sở TN&MT để được giải đáp.

Ở Sở Xây dựng, việc hỗ trợ DN tiếp cận đất đai cũng diễn ra hết sức thuận lợi khi đơn vị này tham mưu UBND thành phố chỉ đạo đăng tải thông tin cung cấp bản đồ tổng thể quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng và thông tin các khu đất trống kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố. Theo đó, Cổng thông tin điện tử thành phố và của Sở Xây dựng thực hiện, cho phép tổ chức, cá nhân tìm kiếm theo vị trí, diện tích và mục đích sử dụng đất với tiêu chí dễ sử dụng và cập nhật thuận tiện.

Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng (BQL) đã rà soát và công bố quỹ đất còn trống trong các khu công nghiệp với tổng diện tích 80,7ha đất đã có hạ tầng để cho thuê. Theo đó, giải quyết bố trí cho 29 DN thuê lại đất trong khu công nghiệp với tổng diện tích 34,5ha để triển khai dự án. Đối với các DN nhỏ và vừa có nhu cầu sử dụng đất nhỏ (500m2 đến 1.000m2), BQL đã đề xuất UBND thành phố quy hoạch khu đất dự kiến quy hoạch xây dựng Khu tái định cư Làng Vân (diện tích 16ha) để bố trí cho các DN sản xuất có phát sinh nước thải.

Dự kiến quy hoạch Khu kho tàng sản xuất sau ga đường sắt (khu vực gần đường Hoàng Văn Thái) để bố trí cho các DN sản xuất không phát sinh nước thải; bố trí cho các DN sản xuất có nhu cầu thuê đất từ 2.000m2- 5.000m2 tại khu đất đã hoàn chỉnh hạ tầng khu công nghiệp Liên Chiểu.

Đối với các dự án đã được UBND thành phố cho thuê đất nhưng chủ đầu tư không triển khai, Sở TN&MT đề nghị UBND thành phố thu hồi, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý để đấu giá, kêu gọi đầu tư (21 dự án, tổng diện tích 210,6ha). UBND thành phố đã giao Sở TN&MT kêu gọi đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất 9 dự án, tổng diện tích 577,54ha. Hiện nay, việc tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư đối với 2 dự án khu dân cư Bàu Mạc và khu dân cư Nam Bàu Mạc đã được thực hiện.

Ở các địa phương, UBND quận Cẩm Lệ rà soát, lập danh sách 200 DN có nhu cầu mặt bằng sản xuất và trên 300 cơ sở cơ khí, gara ô-tô, sản xuất đồ gỗ nằm xen kẽ trong các khu dân cư có ô nhiễm về không khí và tiếng ồn để đưa vào thành lập Cụm công nghiệp quận với diện tích 37ha… Ngoài ra, UBND thành phố cũng đã đồng ý chủ trương xây dựng Khu công nghiệp dành riêng cho DN nhỏ và vừa Việt - Nhật (với diện tích 104ha, vốn đầu tư dự kiến 50 triệu USD) nhằm phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ đồng thời tạo điều kiện cho các DN Việt Nam có cơ hội hợp tác với các DN Nhật Bản.

Ông Tatsumi Niwa (Chủ tịch HĐQT Công ty Niwa Foundry Nhật Bản):

“Nếu đầu tư ngắn hạn tôi chọn Thái Lan, nhưng chúng tôi đã chọn Đà Nẵng là nhìn thấy tương lai của sự phát triển của DN. Việc chúng tôi tiếp cận đất đai để đầu tư dự án diễn ra nhanh chóng và thuận lợi. Tôi hài lòng khi đến đầu tư sản xuất tại Đà Nẵng”.

Ông Bùi Quang Ngọc (Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT):

“Doanh nghiệp chúng tôi rất hài lòng khi lãnh đạo thành phố trực tiếp tiếp xúc với DN để tháo gỡ khó khăn. Chúng tôi luôn nhận được sự cam kết và thực hiện lời cam kết với tinh thần đầy trách nhiệm. Chúng tôi được tiếp cận đất đai với mặt bằng sạch, được hỗ trợ hoàn tất các thủ tục pháp lý về giao quyền sử dụng đất. FPT đã chọn đúng địa điểm để đầu tư phát triển và cam kết là nhà đầu tư động lực trong ngành CNTT, dẫn đắt ngành công nghiệp này phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố Đà Nẵng phát triển bền vững”.

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

.