Kinh tế

Giá điện tăng, doanh nghiệp gặp khó

07:30, 16/03/2015 (GMT+7)

Hôm nay, ngày 16-3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức thực hiện tăng giá điện lên 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh, so với giá hiện hành.

Dệt màn tuyn là phân xưởng tiêu thụ khá nhiều điện của Công ty CP Dệt Hòa Khánh.
Dệt màn tuyn là phân xưởng tiêu thụ khá nhiều điện của Công ty CP Dệt Hòa Khánh.

Theo lý giải của lãnh đạo EVN, kể từ lần điều chỉnh giá điện ngày 1-8-2013 đến ngày 31-1-2015, các yếu tố làm tăng giá thành sản xuất điện như  giá than, khí để sản xuất  điện, thuế tài nguyên và chi phí tiếp nhận hệ thống điện lưới nông thôn đã tăng nhiều lần. Nếu giữ mức giá như hiện nay thì trong năm 2015, EVN phải chi thêm 10.491 tỷ đồng để sản xuất điện.

Trong khi đó các yếu tố làm giảm giá thành sản xuất điện như giá xăng dầu giảm, giá mua điện từ các nhà máy điện khí và việc giảm chi phí nhập khẩu điện… là 1.657 tỷ đồng. Như vậy, nếu giữ mức giá như hiện tại thì trong năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng. Nếu tính đúng, tính đủ và bảo đảm có lãi cho ngành điện thì giá bán điện ở Việt Nam phải là 9,5 cent/kWh.

Việc tăng giá điện lần này lên 7,5%, nhưng các hộ nghèo ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có sản lượng tiêu thụ dưới 50kWh/tháng sẽ vẫn được hỗ trợ 30.000 đồng/hộ theo như chỉ đạo của Chính phủ. Như vậy, đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc tăng giá điện lần này hầu như không bị ảnh hưởng nhiều trong sinh hoạt.

Khó khăn nhất vẫn là các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN thuộc lĩnh vực sản xuất thép, xi-măng và chế biến hải sản, vì đây là những ngành mà chi phí điện chiếm tỷ trọng cao trong giá thành sản phẩm.

Ông Huỳnh Ngọc Tân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thành Lợi (Thép Dana Ý) cho biết: “Do tăng giá điện, giá thành một tấn thép sẽ tăng thêm khoảng 100.000 đồng. Như vậy, mỗi tháng công ty phải trả thêm gần 2 tỷ đồng chi phí để sản xuất thép, với sản lượng như hiện tại”. Đối với ngành sản xuất xi-măng, lãnh đạo Công ty CP Xi-măng Hải Vân cho biết: Công ty đang đau đầu về việc giải bài toán hạ giá bán để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm với việc tăng giá thành do giá điện tăng.

Đối với ngành dệt-may, mặc dù chi phí điện trong giá thành không lớn, nhưng lại là ngành có lợi nhuận không cao, lao động nhiều (chủ yếu là lao động nữ) nên việc tăng 7,5% giá điện sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cải thiện đời sống của người lao động. Ông Nguyễn Chánh, Giám đốc Công ty CP Dệt Hòa Khánh cho biết: Với mức tăng giá điện 7,5%, công ty sẽ phải trả chi phí thêm gần 50 triệu đồng/tháng, tương đương với việc mỗi công nhân phải gánh thêm trên 100.000 đồng/người/tháng.

Lãnh đạo của nhiều DN băn khoăn, việc tăng giá điện có đi kèm với việc nâng cao chất lượng dịch vụ hay không, đặc biệt là sự ổn định điện áp và hạn chế các vụ mất điện đột xuất, cũng như việc bồi thường thiệt hại do các vụ mất điện đột xuất.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

.