Kinh tế

Tạo động lực mới cho doanh nghiệp phát triển

07:31, 17/03/2015 (GMT+7)

Năm 2014, UBND thành phố triển khai Chương trình hoạt động “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” nhằm tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thành phố hoạt động ổn định, tạo động lực mới cho DN phát triển, gắn kết với định hướng phát triển kinh tế bền vững.

Lãnh đạo thành phố tiếp xúc với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. 				Ảnh: Triệu Tùng
Lãnh đạo thành phố tiếp xúc với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Triệu Tùng

Trao đổi với Báo Đà Nẵng khi nhìn lại kết quả thực hiện chương trình, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” VÕ DUY KHƯƠNG (ảnh) cho biết:

- Năm 2014, thành phố có nhiều chính sách triển khai và đáp ứng sự mong mỏi của DN; đã tạo được động lực, điều kiện cho DN có thể tổ chức sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn chưa bước qua thời kỳ suy thoái.

Trước hết, về hỗ trợ mặt bằng phục vụ sản xuất, kinh doanh, thành phố đã chỉ đạo rà soát quỹ đất trong và ngoài khu công nghiệp, cung cấp bản đồ tổng thể quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng và thông tin các khu đất cần kêu gọi đầu tư đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thành phố, website chuyên ngành…

Theo đó, DN và các nhà đầu tư có thể tìm kiếm theo vị trí, diện tích và mục đích sử dụng đất theo hướng thuận lợi nhất. Rà soát, bố trí sử dụng có hiệu quả đất đai trong các khu công nghiệp.

Làm việc với 30 chủ đầu tư dự án chậm hoặc không triển khai, kết quả thu hồi 90.622m2 diện tích đất của 12 doanh nghiệp trong khu công nghiệp; đồng ý gia hạn tiến độ dự án với tổng diện tích 183.385m2; cấp đất mới cho 14 dự án, với diện tích 134.716m2.

Trong năm 2014, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố đã giải ngân cho 24 DN vay với tổng vốn 65,8 tỷ đồng. Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa được thành phố cấp vốn điều lệ hoạt động ban đầu là 50 tỷ đồng và đến nay đã bảo lãnh tín dụng cho 10 DN với tổng số tiền 12,26 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố đã bố trí 1,058 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để hỗ trợ kinh phí cho 6 chương trình hỗ trợ DN của thành phố.

Về hỗ trợ đổi mới thiết bị, công nghệ, UBND thành phố đã hỗ trợ 2 DN với tổng mức hỗ trợ 105 triệu đồng để xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và đăng ký hợp chuẩn, hợp quy; hướng dẫn cho DN lập thủ tục đề xuất hỗ trợ đổi mới công nghệ và định kỳ tổ chức các hội thảo giới thiệu công nghệ mới.

Hoạt động hỗ trợ thông tin, xúc tiến mở rộng thị trường, xúc tiến du lịch được tăng cường, đặc biệt là các hoạt động giao thương giữa các DN Đà Nẵng với các tổ chức, DN trong và ngoài nước để tìm hiểu về cơ hội hợp tác, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm của nhau; mở rộng thị trường khách du lịch, thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng thông qua việc tổ chức các sự kiện, xúc tiến quảng bá, khai thác thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga...

Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư được đẩy mạnh thông qua việc lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư trọn gói năm 2014, liên kết hợp tác với một số DN tại Singapore và khảo sát điều kiện thành lập Đại diện Xúc tiến đầu tư của thành phố tại Singapore.

* Thưa ông, có thể hình dung năm 2014 là nền móng để DN thành phố phát triển thì năm nay và những năm tiếp theo cấu trúc tổng thể về các chủ trương, chính sách để DN phát triển bền vững là gì?

- Thành phố chọn chủ đề năm 2015 là “Năm văn hóa, văn minh đô thị” không có nghĩa là thành phố không tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ DN. Ngay từ cuối năm 2014, thành phố đã ban hành Đề án “Phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020”; đây được xem là một trong những chương trình tổng thể hỗ trợ, phát triển DN trong năm 2015 và những năm tiếp theo, trong đó nhấn mạnh 6 nhóm giải pháp.

Một là, thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ tập trung cải cách hành chính trong các lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của DN như đất đai, xây dựng, thuế, hải quan…, đặc biệt là việc tăng cường sự tham vấn, hỗ trợ DN của các cơ quan trợ giúp phát triển DN, các Trung tâm hỗ trợ DN.

Hai là, thực hiện các giải pháp về công nghệ với việc tập trung hỗ trợ DN tái cấu trúc, đổi mới công nghệ, nhất là đổi mới về công nghệ thông tin, đồng thời xúc tiến phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; nghiên cứu và hình thành vườn ươm DN phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố Đà Nẵng nhằm hỗ trợ các DN khởi nghiệp trong thời gian tới. Ba là, thực hiện hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh thông qua các hoạt động như: cập nhật thường xuyên trên hệ thống Cổng thông tin điện tử và các Trang tin điện tử về kế hoạch sử dụng đất trong và ngoài khu công nghiệp, quy hoạch của thành phố; tập trung đầu tư để hình thành các trung tâm và cụm thương mại dịch vụ, hệ thống mạng lưới bán lẻ, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ nông nghiệp và hệ thống logistic.

Kế đến là thực hiện các giải pháp về tín dụng thông qua việc tiếp tục bổ sung nguồn vốn cho Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, phấn đấu đến năm 2020 mức vốn kinh doanh của Quỹ đạt trên 1.000 tỷ đồng thông qua nhiều hình thức huy động vốn; đơn giản hơn nữa thủ tục hồ sơ vay vốn và điều chỉnh lãi suất cho vay ưu đãi phù hợp. Năm là, giải pháp về nhân lực với việc tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, cụ thể là xây dựng cơ chế liên kết giữa các cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động, các đơn vị nghiên cứu với DN để áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh của DN.

Cuối cùng là các hoạt động về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư được thực hiện thông qua việc tổ chức thường xuyên các hoạt động liên kết, tiêu thụ sản phẩm giữa các DN, nhất là các tập đoàn lớn nước ngoài với DN thành phố; đẩy mạnh đầu tư cho các DN phát triển tàu du lịch trên sông và các sản phẩm du lịch đường sông cùng với các hoạt động xúc tiến du lịch.

* Thưa ông, ông mong muốn điều gì từ phía các doanh nghiệp?

- Chính quyền thành phố triển khai Đề án “Phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020”, một lần nữa khẳng định cam kết của thành phố trong việc đồng hành với DN phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của DN.

Bên cạnh đó, cộng đồng DN và doanh nhân thành phố cần phát huy mọi tiềm năng và lợi thế, năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tăng cường kết nối cung cầu và hợp tác nâng cao giá trị sản xuất trong nước, tích cực hỗ trợ các DN khởi nghiệp, từng bước xây dựng uy tín, thương hiệu của cộng đồng DN Đà Nẵng để thật sự trở thành thành phần trụ cột trong công cuộc xây dựng thành phố Đà Nẵng.

Cộng đồng DN, doanh nhân tích cực hưởng ứng “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, xây dựng kế hoạch thực hiện một cách phù hợp ở đơn vị mình; vận động từng người lao động tham gia hưởng ứng với những hành động thiết thực, phù hợp; đồng thời tiếp tục hưởng ứng thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố.

* Trân trọng cảm ơn ông.

TRIỆU TÙNG thực hiện

.