Kinh tế

Năng suất lao động giảm do nắng nóng

07:52, 12/06/2015 (GMT+7)

Nhiều ngày nay, tại Đà Nẵng cũng như các tỉnh miền Trung, nắng nóng như đổ lửa, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với những công nhân, người lao động phải làm việc ngoài trời.

Thay đổi giờ để tránh nóng

Không chỉ những người làm việc ngoài trời mà những công nhân làm việc trong nhà xưởng cũng chịu ảnh hưởng bởi nắng nóng. Tại Công ty CP cơ khí Hà Giang, Phước Tường (quận Cẩm Lệ), nơi có hơn 70 công nhân đang làm việc, lãnh đạo công ty phải thường xuyên cho tưới nước lên mái tôn khoảng 1-2 tiếng/lần để giảm cái nóng như thiêu đốt.

“Thấy công nhân ăn không hết bữa cơm trưa, tụi tui lo lắm. Nắng nóng quá nên năng suất làm việc trong xưởng cũng giảm đáng kể”, ông Hà Giang, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết.

Để giải nhiệt, tăng cường sức khỏe, công ty cử người chuẩn bị nước chanh dây, nước chè xanh liên tục cho công nhân. Ông Giang cho biết, công ty đang tính tới phương án sơn tôn cách nhiệt để đỡ nóng, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động làm việc nhưng kinh phí thay toàn bộ tôn cho hai nhà xưởng khá lớn.

Là đơn vị có đến 2.000 công nhân phần lớn làm việc ngoài trời, Công ty Vinaconex 25 chuyên xây dựng nhiều công trình ở Quảng Bình, Đà Nẵng, Gia Lai… cũng đã thay đổi giờ làm để tránh nóng. “Chúng tôi bắt đầu làm việc sớm hơn, từ 6-10 giờ, chiều làm việc từ 14 giờ. Đồng thời, thay đổi vị trí làm việc bằng cách thi công những phần việc trong nhà vào những giờ nắng nóng”, ông Phạm Xuân Nam, cán bộ phụ trách công tác an toàn lao động của Công ty Vinaconex 25 cho biết.

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Để nâng cao năng lực ứng phó với gánh nặng nhiệt của người lao động tại nơi làm việc, ngày 11-6, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng tổ chức hội thảo tham vấn và đối thoại với các doanh nghiệp về nội dung này. Bà Trần Thị Lan Anh, đại diện Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển (COHED) cho biết, những năm qua tại Đà Nẵng, số ngày trong năm có nhiệt độ trên 340C tăng thêm nhiều và số ngày rất nắng đang tăng nhanh hơn so với quá trình tăng nhiệt độ tổng thể. “Biến đổi khí hậu sẽ làm tăng số ngày nóng ở Đà Nẵng, kéo dài mùa nóng và làm tăng số đợt nắng nóng”, bà Lan nói.

Còn theo ông Trần Đình Tạo, Giám đốc Công ty Khai thác mỏ Trung Trung Bộ, từ tháng 4 đến tháng 8, khối lượng công việc nhiều, thêm nắng nóng khắc nghiệt, sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng nhiều, năng suất lao động giảm. “Nếu công nhân làm việc trong môi trường ngoài trời từ 40-420C, trong xưởng từ 37-390C thì chỉ làm việc khoảng 35-50 phút là phải nghỉ ngơi.

Nhiệt độ quá cao cũng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, gây mất an toàn lao động”, ông Tạo nói. Cũng theo ông Tạo, phải có hệ thống cảnh báo, ứng phó sớm với gánh nặng nhiệt để hạn chế những ảnh hưởng không tốt.

“Cần cho người lao động uống bù nước có hàm lượng vi chất để tăng cường sức khỏe trong điều kiện nắng nóng như hiện nay. Đồng thời, có thể thực hiện các biện pháp đơn giản, hiệu quả như: trồng nhiều cây xanh trong công sở, trang bị hệ thống thông gió cũng như sử dụng các thiết bị thân thiện với môi trường, bố trí công việc tránh thời điểm nắng nóng nhất”, bà Trần Thị Lan Anh, đại diện Trung tâm COHED nói.

Chủ động ứng phó với đợt nắng nóng kéo dài

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Chủ tịch UBND thành phố vừa có Công điện số 01/CĐ-UBND chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức theo dõi, cập nhật liên tục tình hình nắng nóng, khô hạn để chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do nắng nóng, khô hạn và thiếu nước gây ra.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, nhất là trong phòng chống cháy rừng, cháy nổ, sử dụng tiết kiệm điện, nước; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn diễn ra bình thường; tăng cường kiểm tra, đánh giá và quản lý nguồn nước hiện có trong hệ thống công trình thủy lợi, ao đầm...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi công tác phòng cháy và chữa cháy rừng; thực hiện phương án chống hạn, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế. Sở Tài nguyên và Môi trường có phương án bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phối hợp với các ngành, địa phương ứng phó kịp thời với các tình huống cháy nổ, sự cố do nắng nóng gây ra.

NGỌC PHÚ

PHƯƠNG TRÀ

.