Kinh tế

Hiệu quả từ chuyển giao công nghệ

07:38, 15/07/2015 (GMT+7)

Sau 15 năm triển khai, Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế, xã hội nông thôn và miền núi” (Chương trình NTMN) đã góp phần mang lại diện mạo mới cho những vùng nông thôn nghèo khó.

Mô hình chăn nuôi thỏ trắng New Zealand đang được thực hiện tại các xã miền núi huyện Hòa Vang.
Mô hình chăn nuôi thỏ trắng New Zealand đang được thực hiện tại các xã miền núi huyện Hòa Vang.

Người dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, có thể chủ động sản xuất được nhiều loại cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là những kết quả thiết thực mang lại từ chương trình.

Chương trình NTMN có tính chất liên ngành, liên vùng, được Bộ KH&CN phối hợp với các địa phương thực hiện thông qua các dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ và hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm thúc đẩy ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế- xã hội NTMN. Đối với thành phố Đà Nẵng, Bộ KH&CN đã hỗ trợ thực hiện 13 dự án, trong đó có 7 dự án thuộc nhóm Trung ương quản lý và 6 dự án thuộc nhóm ủy quyền cho địa phương quản lý. Hiện, 8 dự án đã nghiệm thu và 5 dự án đang triển khai thực hiện. Hầu hết, các dự án đều hiệu quả và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực NTMN tại TP. Đà Nẵng.

Có thể nói, thành công bước đầu của các dự án NTMN là tạo cơ sở hình thành và góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học (CNSH) cho thành phố. Bắt đầu từ dự án Xây dựng phòng nuôi cấy mô tế bào phục vụ nhân nhanh một số giống cây đặc thù trên địa bàn Đà Nẵng với sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương, Đà Nẵng đã xây dựng Phòng nuôi cấy mô tế bào trực thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, từ đó làm tiền đề để xây dựng Trung tâm CNSH thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Tiếp đến là những dự án, mô hình ứng dụng một số giải pháp an toàn dịch bệnh kết hợp với sử dụng dung dịch điện hoạt hóa anolit để tăng cường vệ sinh thú y; dự án xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thức ăn bổ sung cho tôm, cá và chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; dự án xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ điện hoạt hóa để làm vệ sinh, khử trùng và khử mùi nhà xưởng, dụng cụ và sản phẩm thịt... Các dự án này đã hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh phục vụ nông nghiệp, nông thôn và người dân trên địa bàn thành phố sản xuất các dung dịch khử trùng phục vụ phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, các dung dịch vệ sinh nhà xưởng, qua đó cải thiện đáng kể vấn đề môi trường.

Các dự án xây dựng mô hình nuôi bò lai Sind, trồng tre lấy măng tại xã miền núi Hòa Ninh, mô hình trồng thương phẩm các loài hoa có giá trị cao, phát triển chăn nuôi dê thâm canh, sản xuất hàng hóa nấm ăn và nấm dược liệu, nhân giống và sản xuất lan hồ điệp, mô hình chăn nuôi thỏ trắng New Zealand… đã và đang được triển khai thực hiện đã góp phần chuyển đối cơ cấu kinh tế nông nghiệp phù hợp với định hướng của thành phố, phát triển nông nghiệp đô thị và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thông qua các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, các dự án từ chương trình NTMN đã đào tạo kỹ thuật trực tiếp cho các cán bộ thuộc cơ quan chủ trì dự án, nâng cao trình độ kỹ thuật cho cán bộ địa phương và người dân về sản xuất nông nghiệp. Tại Đà Nẵng, qua 13 dự án NTMN đã đào tạo 119 cán bộ kỹ thuật nắm vững quy trình công nghệ và tập huấn cho 3.775 lượt nông dân của địa phương về các kỹ thật chăn nuôi, trồng trọt tiên tiến. Ông Huỳnh Văn Ngộ, Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng cho biết: “Các dự án trong chương trình NTMN đã chuyển giao ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng nông sản của các địa phương. Thông qua các dự án đã giúp nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân, triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư ở nông thôn bằng các giải pháp KH&CN, từ đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương”.

“Thông qua các dự án NTMN, các hộ dân trên địa bàn có thể tiếp cận với KH&CN nhanh hơn, từ đó ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào thực tế các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Sau khi dự án kết thúc, huyện sẽ tiến hành nhân rộng các mô hình, dự án có hiệu quả để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành cho biết thêm.

Theo Bộ KH&CN, sau 15 năm, chương trình NTMN đã triển khai thực hiện 845 dự án, xây dựng được 2.501 mô hình sản xuất trong cả nước, với tổng kinh phí hơn 2.745 tỷ đồng. Chương trình chuyển giao được 4.761 lượt công nghệ vào sản xuất, đào tạo 11.063 kỹ thuật viên cơ sở và hơn 1.725 cán bộ quản lý KH&CN địa phương, tập huấn cho 236.264 lượt nông dân. Đồng thời, giải quyết cho khoảng 128.643 lao động tại chỗ, giúp tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.

Bài và ảnh: Thanh Tình

.