Kinh tế

Hỗ trợ quảng bá sản phẩm công nghệ qua sàn

07:51, 31/07/2015 (GMT+7)

Sàn giao dịch công nghệ (GDCN) trực tuyến Techmart Online Đà Nẵng hình thành từ năm 2010 tại địa chỉ www.techmartdanang.vn.

Giao diện Techmart Online Đà Nẵng.
Giao diện Techmart Online Đà Nẵng.

Đến nay, sàn từng bước thể hiện vai trò là đầu mối tập trung các nguồn lực khoa học và công nghệ (KH&CN) trong nước và quốc tế, đồng thời, là chỗ dựa cho doanh nghiệp (DN) trong việc tiếp nhận và quảng bá, giới thiệu sản phẩm, công nghệ.

Sàn GDCN là loại hình tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, có khả năng thực hiện tất cả các dịch vụ hỗ trợ các bên có nhu cầu giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ từ chào mua, chào bán, giới thiệu, đại diện, đại lý, tư vấn, môi giới, hỗ trợ định giá, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ đàm phán, ký kết… bảo đảm tính hợp pháp, an toàn và hiệu quả.

Theo các chuyên gia, để phát triển thị trường KH&CN, yếu tố không thể thiếu là phải tạo lập sàn GDCN. Việc xây dựng các sàn GDCN giúp DN quảng bá và giới thiệu sản phẩm, công nghệ; tạo diễn đàn để các nhà khoa học tiếp cận nắm bắt thực tế và nhu cầu của DN, qua đó thực hiện kết nối cung cầu, tập trung các nguồn lực thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sáng chế, gia tăng lượng giao dịch.

Là thành phố có tốc độ phát triển kinh tế cao trong khu vực, các quan hệ mua bán, chuyển giao sản phẩm, công nghệ giữa các cá nhân, các tổ chức nghiên cứu, các DN không ngừng phát triển, từ năm 2007, sàn GDCN trực tuyến Techmart Online đã được triển khai xây dựng và chạy thử nghiệm. Cuối năm 2008, một số DN trong và ngoài thành phố đã tiến hành trao đổi, ký kết các hợp đồng thông qua các thông tin được cung cấp trên sàn này.

Hiện, sàn GDCN trực tuyến Đà Nẵng có khả năng hỗ trợ đăng tải thông tin DN, giao tiếp với các cơ quan chính phủ, tìm kiếm việc làm, đồng thời, hỗ trợ DN sử dụng các gian hàng ảo trên hệ thống. Trên sàn hiện có các thông tin về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, danh bạ DN, tin chào mua, chào bán, tuyển dụng, mời thầu… để DN tham gia lựa chọn. Ngoài ra, để DN nắm bắt được các thông tin mới về các sáng chế, giải pháp mới, tin tức KH&CN,...  cán bộ quản lý sàn cũng đã kịp thời đăng tải các tin tức liên quan, xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ tra cứu như cơ sở dữ liệu thiết bị, công nghệ phục vụ nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp đô thị, thiết bị công nghiệp, các phim khoa học...

Tại Hội thảo Doanh nghiệp-Kết nối cung cầu công nghệ được tổ chức gần đây, bà Võ Thị Ngọc Diệp, Trung tâm Thông tin KH&CN, Sở KH&CN Đà Nẵng cho rằng, qua nhiều năm hoạt động, Techmart Online đã thể hiện được vai trò hỗ trợ DN giới thiệu và quảng bá công nghệ, sản phẩm mới trên Internet thông qua việc chào bán, khuyến mãi cũng như tìm mua các sản phẩm cần thiết. Có thể nói, Techmart Online ra đời đã đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin KH&CN giữa các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu với nhau và với DN.

Đại diện Sở KH&CN, cho biết, đến nay, số lượng sản phẩm chào bán trên sàn đạt 11.760, chào mua là 485 và sản phẩm khuyến mãi là 1.374 sản phẩm. Hiện, trên sàn có hơn 40 ngành kinh doanh khác nhau (điện tử, năng lượng, nội thất, khoáng sản, in ấn, xuất bản...) với 6.863 DN trong nước và quốc tế đang hoạt động. Tuy nhiên, các gian hàng, sản phẩm chủ yếu đến từ DN ở hai đầu đất nước, còn Đà Nẵng chỉ có 189 DN, hầu hết ở các lĩnh vực thiết bị điện - điện tử, thiết bị viễn thông, phần mềm - phần cứng máy tính và dịch vụ du lịch. Con số đó cho thấy, nhiều DN tại Đà Nẵng vẫn còn e ngại khi đầu tư hoặc tham gia vào GDCN, dẫn đến hoạt động qua sàn vẫn ít và chưa hấp dẫn.

Theo Cục Phát triển thị trường và DN KHCN, thì do thị trường công nghệ vẫn chưa thực sự hình thành, hơn nữa, tại Đà Nẵng, các DN chưa có thói quen tìm kiếm chuyên gia tư vấn trong quá trình chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý điều hành và vận hành của đa số các sàn giao dịch KH&CN chưa thống nhất và chuẩn hóa; tại các Sàn GDCN thiếu cán bộ chuyên sâu trong lĩnh vực môi giới chuyển giao công nghệ, marketing, phát triển thị trường... nên việc DN tham gia ít cũng là điều dễ hiểu. Cũng theo bà Diệp, để DN tham gia nhiều hơn nữa, thời gian tới, sàn sẽ cải tiến phương thức giao dịch, nâng cấp sàn rộng hơn, đẹp hơn; đồng thời, khuyến khích các nhà các nhà khoa học, các nhà sáng chế tham gia tư vấn, viết bài giới thiệu giải pháp hữu ích, quảng bá công nghệ mới để hỗ trợ DN.

Techmart Online Đà Nẵng là nơi quy tụ các cá nhân, DN, đơn vị KH&CN. Vì vậy, thành phố và các sở, ngành cần tăng cường tuyên truyền rộng rãi để cộng đồng và DN biết và tham gia sàn giao dịch, qua đó, góp phần phát triển thương mại điện tử cũng như kinh tế thành phố.

Bài và ảnh: Đan Tâm

.