Kinh tế
Doanh nghiệp vận tải hành khách Đà Nẵng: Khó khẳng định thương hiệu
Ông Lê Viết Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý bến xe và dịch vụ vận tải Đà Nẵng cho rằng, những khó khăn nảy sinh trong vận tải hành khách là do có quá nhiều đơn vị vận tải có quy mô nhỏ; nhiều doanh nghiệp chỉ có 2-3 phương tiện nên dẫn đến khó khăn trong cạnh tranh cũng như công tác đảm bảo an toàn giao thông. Để tháo gỡ những khó khăn này, ông Hoàng đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nên quy định mỗi doanh nghiệp ít nhất phải có từ 20 phương tiện trở lên.
Với quy mô khá nhỏ, doanh nghiệp vận tải hành khách của thành phố khó cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn ở các địa phương khác. |
Thực tế trên cũng là tồn tại ở nhiều doanh nghiệp vận tải của thành phố Đà Nẵng trong những năm gần đây, mặc dù số lượng doanh nghiệp mới thành lập liên tục tăng qua các năm. Theo thống kê của Sở GTVT, đến cuối năm 2014, trên địa bàn thành phố có 18 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tuyến cố định với 327 phương tiện. Như vậy, tính ra trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ có 18 phương tiện. Đây là con số khá khiêm tốn so với các doanh nghiệp vận tải hành khách ở các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ.
Đó là con số trung bình, còn thực tế ở Đà Nẵng có khá nhiều doanh nghiệp chỉ có 3-4 đầu xe, hoạt động theo kiểu “công ty gia đình”; vì vậy công tác quản lý, vận hành cũng chủ yếu theo kiểu truyền thống là “quen việc”. Dù trong năm 2014 ghi nhận sự nhảy vọt về số doanh nghiệp mới thành lập hoạt động trên lĩnh vực vận tải hành khách theo dạng hợp đồng và xe du lịch, nhưng số lượng phương tiện vẫn giảm.
Cụ thể, năm 2014 thành phố tăng thêm 94 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp vận tải hành khách theo dạng hợp đồng và du lịch lên 298 đơn vị với 842 phương tiện. Thế nhưng, năm 2014 lại giảm 25 phương tiện so với năm 2013. Điều đáng nói hơn là, trong số này chỉ có 15 doanh nghiệp có trên 10 phương tiện, còn lại chủ yếu các doanh nghiệp có từ 2-3 phương tiện.
Việc các doanh nghiệp đang trên đà thu hẹp dần về số lượng phương tiện dẫn đến rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng cũng như cho các doanh nghiệp của thành phố trong việc xây dựng thương hiệu. Nổi lên trong công tác quản lý là công tác đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện chở khách.
Theo quy định của ngành, mỗi doanh nghiệp vận tải hành khách phải có bộ phận theo dõi và đảm bảo về trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp do quy mô quá nhỏ nên không có người theo dõi vấn đề này. Thậm chí, tại nhiều doanh nghiệp, tài xế, phụ xe kiêm luôn nhiệm vụ giám đốc, kế toán của công ty. Chính vì sự tạm bợ, chắp vá này nên các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước trên lĩnh vực vận tải.
Bên cạnh đó, việc quy mô quá nhỏ cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp của thành phố gặp khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu cũng như nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Việc chỉ có 327 phương tiện đăng ký hoạt động đến 89 tuyến đường cố định trải rộng ở 24 tỉnh, thành khiến nhiều doanh nghiệp của thành phố “hụt hơi” trong việc cạnh tranh về giá cả cũng như đảm bảo tần suất xe chạy trong ngày, trong tuần. Chính điều này khiến nhiều doanh nghiệp của thành phố gặp lúng túng và thua thiệt các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành khác khi hoạt động vào mùa cao điểm cuối năm, các ngày lễ lớn...
Tương tự, ở các sự kiện lớn cần huy động một lượng lớn phương tiện phục vụ các đoàn du khách từ các tàu du lịch biển, thành phố rất khó tìm đủ số lượng phương tiện có cùng tiêu chuẩn theo yêu cầu của khách hàng. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp vận tải hành khách thành phố phải chia sẻ thị phần với các doanh nghiệp ở Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế để đảm bảo được hợp đồng với đối tác.
Từ lâu, Đà Nẵng rất thành công với thương hiệu “xe 43” với chất lượng xe tốt, thái độ phục vụ ân cần, đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, đây lại là điểm yếu của các doanh nghiệp vận tải hành khách thành phố.
Bài và ảnh: Thanh Vân