.

95% người dân Việt Nam lo mức lương hưu không đủ sống

.

Kết quả khảo sát về thái độ và kỳ vọng vào tương lai hưu trí cho thấy, người lao động Việt Nam rất quan tâm đến việc làm gì để đối phó với an sinh hưu trí tương lai.

Có 95% số người được hỏi bày tỏ nỗi lo lắng sẽ chịu cảnh nghèo, không đủ tiền sinh sống khi nghỉ hưu. Đây là kết quả được đưa ra tại Hội thảo “Tương lai hưu trí: Từ thách thức tới cơ hội” do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Viện Lão hóa toàn cầu (GAL) và Công ty Prudential tổ chức ngày 8-9 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, GAL chính thức công bố kết quả khảo sát về thái độ và kỳ vọng vào tương lai hưu trí tại 10 nước khu vực Đông Á. Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết người dân trong khu vực, trong đó có cả Việt Nam, đang lo lắng về an sinh hưu trí của họ. Vì vậy, người lao động đang nỗ lực cải thiện kế hoạch hưu trí cá nhân trong khi Chính phủ và ngành dịch vụ tài chính từng bước ứng phó với kế hoạch nâng dần chất lượng an sinh hưu trí và thu hẹp khoảng cách về hưu trí so với các quốc gia phát triển.

Tại Việt Nam, chỉ 10% người Việt Nam được hỏi tin rằng, con cái trưởng thành hoặc những thành viên khác trong gia đình là chỗ dựa thu nhập khi họ nghỉ hưu. Với tỷ lệ này, những người đang đi làm sau này khi nghỉ hưu sẽ không thể dựa vào gia đình nhiều như những người hiện đã nghỉ hưu.

Bà Ritsu Nacken, quyền Trưởng đại diện UNFPA, cho biết kết quả khảo sát cho thấy, người Việt Nam đang rất lo lắng về tuổi già khi nghỉ hưu, họ nghĩ đến tương lai và nhận ra rủi ro phải đối mặt. 62% số người được hỏi đã bày tỏ mong muốn Chính phủ cung cấp lương hưu cho người nghỉ hưu nhưng họ cũng muốn Chính phủ khuyến khích người dân tiết kiệm, chuẩn bị cho tương lai.

Đây là tín hiệu đáng mừng khi người dân bắt đầu nghĩ đến việc chuẩn bị cho thời gian hưu trí. “Tuy nhiên, kinh nghiệm và kiến thức của người Việt Nam còn hạn chế trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính, hầu hết họ tiết kiệm gửi ngân hàng chứ không đầu tư. Chính sự lo lắng của người Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ là cơ hội để phát triển các dịch vụ tài chính trong tương lai, đặc biệt khi Việt Nam đang là nước có thu nhập trung bình, tầng lớp trung lưu ngày càng giàu hơn,” bà Ritsu Nacken nói.

TS Richard Jackson, Chủ tịch GAL cũng cho rằng, lương hưu hiện nay chỉ đáp ứng được 75% các chi phí. Vì vậy, ngoài trách nhiệm trả lương hưu của Chính phủ, tiết kiệm thông qua các dịch vụ tài chính sẽ đóng vai trò quan trọng trong hưu trí của Việt Nam và các nước Đông Á trong tương lai. Việt Nam cần mở rộng hệ thống lương hưu của Nhà nước ​để nhiều người dân được hưởng lợi từ hệ thống này. ​Còn những người về hưu thì nên có tiền tiết kiệm để bảo đảm cho tương lai hưu trí.

TTXVN

;
.
.
.
.
.