Kinh tế

Biểu giá điện cần bảo đảm an sinh xã hội

07:49, 24/09/2015 (GMT+7)

* Hội Nông dân đề nghị giảm giá đối với mức dưới 50kWh/tháng, tăng mức giá từ 150kWh/tháng lên

Ngày 23-9, tại Đà Nẵng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội thảo về Dự thảo “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”. Tham dự có đại diện các Sở Công thương, Hội Nông dân, hiệp hội ngành hàng của thành phố Đà Nẵng và 9 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên...

Cần tính toán để mức giá ổn định trong thời gian dài

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, hội thảo nhằm đánh giá lại thực trạng biểu giá điện bán lẻ đang áp dụng, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng xã hội về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sắp tới. Đây cũng là cơ sở quan trọng để EVN hoàn thiện đề án, báo cáo Bộ Công thương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đại diện Công ty tư vấn Quản lý và phát triển Việt Nam (CMD), đơn vị giúp EVN xây dựng “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” cho biết, EVN đề xuất 3 phương án giá điện bán lẻ. Trong đó, phương án 1 vẫn giữ nguyên 6 bậc thang như hiện hành. Phương án 2 là áp dụng một mức đồng giá 1.747 đồng/kWh. Phương án 3 được EVN rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 hoặc 4 bậc với 5 kịch bản khác nhau. Ở mỗi phương án, kịch bản đơn vị tư vấn đều nêu ra những ưu điểm, hạn chế đi kèm.

Về cơ bản, các ý kiến của đại biểu tham dự đều nhất trí, điện là loại hàng hóa đặc biệt, nhạy cảm; có ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội. Do đó, việc xây dựng biểu giá điện bán lẻ phải hết sức thận trọng.

Đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, Hội Doanh nghiệp… và nhiều đại biểu khác ủng hộ phương án giá điện bậc thang, không ủng hộ áp dụng phương án đồng giá (phương án 1) vì như vậy sẽ ảnh hưởng tới người có thu nhập thấp, không khuyến khích tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tính toán cân nhắc để mức giá ổn định trong thời gian dài, đồng thời người dân cũng mong muốn biểu giá công bằng, minh bạch của ngành điện.

Phương án 3, kịch bản 5 được đồng thuận cao

Ông Ngô Thế Tùng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắc Nông cho rằng, nếu điều chỉnh giá thì đối tượng nào chịu tác động nhất, nên chọn đối tượng nào đỡ tác động bởi mức giá. Phương án 3, kịch bản 5 là hợp lý vì vừa kế thừa phương án cũ, vừa phù hợp thực tế, vì đối tượng sử dụng từ 150kWh trở xuống chiếm 88% trong số các hộ sử dụng điện vào mục đích sinh hoạt. Nhưng đối tượng 150kWh trở xuống bị tác động nhiều nhất, đây lại là đối tượng thu nhập thấp. Nên tăng giá điện với những đối tượng sử dụng điện nhiều từ trên 150kWh.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình cho rằng, từ những bất cập trong cách tính giá điện hiện nay, người tiêu dùng không kiểm soát được việc sử dụng điện, nên không có hành vi điều chỉnh thói quen dùng điện tiết kiệm; đặc biệt là khoảng cách chênh lệch bậc thang quá cao. Việc điều chỉnh sắp tới phải đi đôi với việc minh bạch cách tính điện của ngành điện.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đề xuất chọn phương án 3, kịch bản 5 và đề xuất tăng giá điện của nhóm sử dụng trên 150kWh/tháng lên thêm 50 đồng/và giảm 10 đồng đối với nhóm sử dụng 50kWh tháng, vì các hộ này chủ yếu là nông dân, còn rất nghèo.

Như vậy, có thể thấy, qua buổi hội thảo lần thứ 2 tại Đà Nẵng, các đại biểu đều có quan điểm thống nhất là chỉnh sửa biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành, áp dụng biểu giá bậc thang lũy tiến bảo đảm chính sách an sinh xã hội, khuyến khích sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên năng lượng và đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Tuy nhiên vấn đề cần tính toán sao cho khoảng cách chênh lệch giá giữa các bậc thang được rút ngắn và nâng số KWh của các bậc thang cao hơn.

Đức Thịnh

.