Kinh tế

Cẩn trọng chọn đồ chơi Trung thu

07:30, 24/09/2015 (GMT+7)

Đến hẹn lại lên, đồ chơi mùa Trung thu lại sôi động trên thị trường. Dạo quanh các điểm chuyên bán đồ chơi cho trẻ em ở các tuyến đường Hùng Vương, Điện Biên Phủ, Âu Cơ hoặc chợ Cồn… không khí mua sắm đã bắt đầu nhộn nhịp.

Người lớn cần định hướng cho trẻ nên chơi những đồ chơi phù hợp.
Người lớn cần định hướng cho trẻ nên chơi những đồ chơi phù hợp.

Nhìn chung, các mặt hàng Trung thu năm nay chủ yếu vẫn là những sản phẩm truyền thống như lồng đèn, trống, đầu lân, mặt nạ, đồ chơi theo chủ đề nấu nướng, thể thao, ghép hình…

Chiếm tỷ lệ lớn là sản phẩm lồng đèn bằng giấy, mê-ca, nhựa mềm với đủ hình thù ngộ nghĩnh giá chỉ từ 20.000 - 30.000/cái, trống đánh tay các loại nhỏ, vừa, lớn có giá từ 50.000 - 300.000 đồng/cái, đầu lân của làng nghề truyền thống từ 500.000 đồng đến hơn một triệu đồng, hộp búp bê, ô-tô chạy bằng pin giá  từ 100.000 đồng trở lên...

Trước cửa hàng ngã tư đường Hùng Vương- Phan Châu Trinh, bà Nguyễn Thị Thanh (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) bộc bạch: “Nghe nói hàng loạt sản phẩm đồ chơi Trung Quốc có thể gây hại cho sức khỏe cho trẻ như viêm da, hại gan, thận, dễ ung thư nên tôi chọn cho cháu mình mấy loại trong nước sản xuất. Mấy cô nhân viên ở đây cũng tư vấn kỹ càng về mẫu mã và thông tin sản phẩm, giá vừa phải, vì vậy tôi cũng yên tâm phần nào”.

Ghi nhận tại thị trường cho thấy, người dân đã không còn chú trọng đồ chơi Trung Quốc vì lo ngại sản phẩm không an toàn, thiếu tính giáo dục. Ngược lại, hàng trong nước tuy đơn giản, màu sắc không bắt mắt nhưng vẫn được nhiều người chọn mua.

Một phụ huynh đưa cậu con trai đi mua đồ chơi tại cửa hàng Hải Triều (đường Âu Cơ, quận Liên Chiểu) nhận xét: “Đúng là đồ chơi ngày nay đa dạng quá, người lớn cũng còn hoa mắt huống chi các cháu. Trẻ con thường hay đòi hỏi mua những thứ chúng thích mà không cần biết có an toàn hay không. Đôi khi vì chiều con, cháu mà mua thôi chứ vẫn biết có nhiều sản phẩm không nên chơi vì nguy hiểm”.

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam đưa ra khuyến cáo: “Việc tiếp xúc và sử dụng các loại đồ chơi không an toàn có thể gây hậu quả nghiêm trọng và đáng tiếc cho các em nhỏ. Vì thế, bên cạnh công tác tuyên truyền hãy là người tiêu dùng thông thái, các cơ quan chức năng cần ngăn chặn quyết liệt tình trạng buôn lậu, làm hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường”.

Trước thông tin nhiều mặt hàng đồ chơi không bảo đảm an toàn chất lượng vừa bị cơ quan chức năng các tỉnh, thành thu giữ và tiêu hủy, nhiều người tiêu dùng Đà Nẵng tỏ ra lo ngại vì hiện nay trên thị trường có quá nhiều đồ chơi nhập khẩu, nhất là của Trung Quốc.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Phòng Kinh tế quận Sơn Trà tiến hành kiểm tra một số cửa hàng, điểm kinh doanh đã phát hiện một số sản phẩm đồ chơi dao, kiếm, súng nhựa. Đây là các sản phẩm trong danh mục hàng cấm buôn bán nên đã tiến hành tịch thu và tiêu hủy.  

Ông Trương Công Tuyến, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố) cho biết: “Các bậc phụ huynh nên mua đồ chơi cho trẻ ở những trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng uy tín, có địa chỉ rõ ràng. Khi mua cần chú ý về những cảnh báo phù hợp với độ tuổi, các thông số về sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, nhất là tem nhãn dấu hợp quy. Nếu sản phẩm có vấn đề gì, người tiêu dùng còn có thể khiếu nại, đổi trả và có cơ sở để cơ quan chức năng xử lý”.

Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là các cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát được tình trạng đồ chơi chất lượng không bảo đảm được bán rong trên các xe di động hay ở các cửa hàng nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý còn vướng mắc ở chỗ các cơ sở nhỏ lẻ khi yêu cầu đưa bản sao hồ sơ sản phẩm hầu như không có hoặc không đầy đủ các điều kiện. Ngoài ra, kinh doanh đồ chơi không nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện như các mặt hàng khác nên theo thời vụ ai cũng có thể kinh doanh.

Điều này khiến cơ quan chức năng khó xử lý mạnh tay mà chỉ tuyên truyền, nhắc nhở đối với vi phạm lần 1, lần 2. Thực tế, những đồ chơi nằm trong danh mục bị cấm  như súng, dao, kiếm, nhà sản xuất lách cơ quan chức năng bằng cách dán nhãn hình thù các con vật, nhằm ngụy trang cho sản phẩm để tung ra thị trường.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

.