Kinh tế

Sử dụng hầm biogas giảm ô nhiễm môi trường

07:37, 21/09/2015 (GMT+7)

Hòa Vang là huyện sản xuất nông nghiệp, vì vậy chăn nuôi gia súc, gia cầm đóng góp phần lớn cho nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý các chất thải phát sinh từ quá trình chăn nuôi vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Lắp đặt hầm biogas bằng vật liệu composite tại xã Hòa Sơn.
Lắp đặt hầm biogas bằng vật liệu composite tại xã Hòa Sơn.

Ô nhiễm từ chăn nuôi heo

Qua khảo sát của ngành chức năng, do quỹ đất chăn nuôi còn hạn chế nên hầu hết chuồng trại của các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Hòa Vang nằm gần hoặc ngay trong khu dân cư, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, thậm chí còn gia tăng các nguy cơ lan truyền dịch bệnh.

Mặc dù những năm qua, huyện Hòa Vang đã đưa vào sử dụng nhiều loại thiết bị khí sinh học như hầm biogas xây bằng gạch, xi-măng… nhưng trong quá trình sử dụng, các thiết bị này đã bộc lộ nhiều nhược điểm như kỹ thuật xây dựng phức tạp, hầm hay bị sụt lún, lượng khí gas thu được ít…

Ông Lê Ngọc Vương, Phó phòng Công nghệ, năng lượng và môi trường, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng (DECC), thuộc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, qua khảo sát thực tế tại các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Hòa Vang, hầu hết, các hộ chưa có phương án xử lý chất thải chăn nuôi nên chất thải vẫn xả trực tiếp ra môi trường.

Nguồn nước thải này nếu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Vì vậy, cần có biện pháp xử lý dứt điểm các chất thải chăn nuôi để ngăn chặn ô nhiễm môi trường và tận dụng được nguồn năng lượng khí sinh học phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện có xây dựng hầm biogas bằng gạch và xi-măng cho biết, phần lớn họ chỉ sử dụng hầm biogas được 1-2 năm đầu, về sau hầm không còn công năng, gây lãng phí tiền của; chất thải chăn nuôi chưa xử lý tràn ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Từ đó, họ rất muốn xây dựng hầm biogas với công nghệ hiện đại để xử lý chất thải chăn nuôi, để yên tâm chăn nuôi lâu dài. Hơn nữa, lượng khí sinh học thu hồi được cũng sẽ giúp họ giảm một phần chi phí đáng kể trong sinh hoạt, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.

Hầm biogas bằng vật liệu mới

Trong khuôn khổ đề án “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và ứng dụng năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố”, từ năm 2013 đến nay, DECC đã triển khai xây dựng 18 hầm biogas bằng vật liệu composite xử lý chất thải chăn nuôi và thu hồi khí sinh học phục vụ sinh hoạt cho các hộ chăn nuôi thuộc địa bàn các xã Hòa Sơn, Hòa Liên (huyện Hòa Vang). DECC tiếp tục khảo sát và cuối năm nay sẽ lắp đặt thêm 10 hầm biogas tại các xã Hòa Sơn và Hòa Nhơn.

Việc triển khai thực hiện thành công hầm biogas bằng vật liệu composite đã mang lại những hiệu quả tích cực về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Trung bình, lượng khí biogas thu hồi được đã giúp các hộ gia đình tiết kiệm được khoảng 200.000 - 300.000 đồng/tháng chi phí mua gas công nghiệp và than, củi để đun nấu. Chất thải chăn nuôi được thu gom, xử lý không còn thải tràn lan, gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường.

Ông Phạm Đình Phi, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết: Xã Hòa Sơn hiện có khoảng 70 hộ chăn nuôi heo quy mô hộ gia đình và phần lớn chưa có hầm biogas đạt chuẩn. Nhờ sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, các hầm biogas bằng vật liệu composite đang dần phát huy hiệu quả, mùi hôi thối do chất thải chăn nuôi gần như không còn, vấn đề vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi cũng được cải thiện.

Thực tế cho thấy, so với hầm biogas truyền thống, hầm biogas composite có những ưu điểm vượt trội và khắc phục được những nhược điểm như dễ thi công, thích hợp với mọi địa hình, kín tuyệt đối, tự động phá váng… “Có thể nói, sử dụng hầm biogas composite là một hướng đi mới góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân và đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới toàn huyện Hòa Vang”, ông Vương cho biết.

Bài và ảnh: Đan Tâm

.