Sau hơn 3 năm triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất “Sản phẩm lưu niệm du lịch (SPLNDL)”, các SPLNDL đã xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.
Mô hình cầu vượt ngã ba Huế. |
Tuy nhiên, do nhiều vấn đề còn hạn chế, nhất là mặt bằng giới thiệu sản phẩm, kinh phí để sản xuất thử và tham gia giới thiệu sản phẩm nên các sản phẩm này vẫn chưa đến được với người tiêu dùng.
Tự phát sáng tác và manh mún trong tiêu thụ sản phẩm
Cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Thanh Thiện, tại 162 Huyền Trân Công Chúa, quận Ngũ Hành Sơn vừa sản xuất, vừa tiêu thụ sản phẩm, nhưng lại ở xa trung tâm nên việc tiếp cận của du khách, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.
Cơ sở sản xuất thạch ảnh Nguyên Vỹ, mặc dù sản phẩm được xếp vào nhóm có nhiều đơn đặt hàng từ du khách, nhưng chỉ ở trong khuôn viên Bảo tàng Điêu khắc Chăm nên du khách ít cơ may tham quan, mua sản phẩm.
Công ty TNHH Cơ khí - tự động hóa DAMECO có các sản phẩm như bưu thiếp có nam châm gắn dính dưới dạng tranh ảnh, phù điêu (làm hình nổi ba chiều) trên các loại vật liệu mica, kính đồng, tráng men sứ, sơn mài, gốm sứ và tượng lưu niệm ứng dụng công nghệ đồng đúc, lanh, đá nhân tạo (loại nhỏ) với trên 1 triệu sản phẩm/năm nhưng cũng chỉ được giới thiệu và bán sản phẩm tại một quán cà-phê trên đường Lý Tự Trọng.
Trên đây là tình trạng chung của các cơ sở sản xuất SPLNDL hiện nay, kể cả các cơ sở đã được thành phố công nhận là tham gia chương trình, được hỗ trợ một phần kinh phí sản xuất thử và quảng bá thương hiệu.
Ông Nguyễn Hoàng Hồng Thuận, Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Nin Trần, chuyên sản xuất mô hình, đế mô hình như: mô hình Trung tâm Hành chính thành phố, mô hình Tháp Champa, mô hình cầu vượt ngã ba Huế… bằng các loại gỗ tự nhiên có mùi thơm đặc trưng, đang được ưa chuộng cũng mong có một địa điểm vừa ý để giới thiệu sản phẩm, bởi hiện tại cơ sở phải gửi bán sản phẩm tại một quầy ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm và một số cửa hàng ở Hội An.
Theo Sở Công thương, việc tiêu thụ SPLNDL của các doanh nghiệp hiện mang tính tự phát, mỗi đơn vị đều tự triển khai kênh tiêu thụ sản phẩm riêng, nhưng quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Một số đơn vị bước đầu đã tạo sự liên kết, hợp tác, nhưng thiếu chặt chẽ, chưa thể phát huy hết tiềm năng của đơn vị trên thị trường SPLNDL Đà Nẵng.
Mô hình tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố của Công ty TNHH Nin Trần. |
Cần có một khu tiêu thụ tập trung
Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và giới thiệu sản phẩm, cách đây gần 2 năm, UBND thành phố đã quyết định giao toàn bộ tầng 3 Trung tâm Hội chợ triển lãm để các doanh nghiệp làm nơi giới thiệu sản phẩm, nhưng phương án này cũng không được triển khai. Nguyên nhân là địa điểm này quá xa, không có các dịch vụ kèm theo, nên không phải là điểm đến của du khách.
Đến nay cũng chưa tìm ra được địa điểm nào phù hợp để các doanh nghiệp giới thiệu rộng rãi sản phẩm. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia sản xuất SPLNDL đều là các hộ gia đình hoặc là doanh nghiệp quá nhỏ nên không thể tự thuê hoặc xây dựng một trung tâm giới thiệu sản phẩm.
Theo đánh giá của Sở Công thương, năng lực sản xuất, điều hành, quản lý của các đơn vị tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất SPLNDL nhìn chung còn yếu. Các đơn vị này còn nhiều hạn chế trong việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ và thực hiện các báo cáo theo yêu cầu.
Điều này ảnh hưởng đến tiến độ xem xét, thẩm định hồ sơ của các đơn vị cũng như tiến độ thực hiện các nội dung hỗ trợ đã được thành phố phê duyệt. Để khắc phục tình trạng này, Sở Công thương cũng đã nỗ lực hướng dẫn các đơn vị thực hiện các hồ sơ thủ tục theo đúng quy định.
Điều quan trọng là UBND thành phố cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên cấp kinh phí hằng năm, tạo điều kiện dễ dàng cho các doanh nghiệp sử dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ để tái đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo thương hiệu riêng cho SPLNDL Đà Nẵng. Đồng thời, sớm có quy hoạch khu vực trưng bày thuận lợi, dọc theo các trục đường chính để dễ dàng tiếp cận thị trường và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Bài và ảnh: Đức Thịnh