Kinh tế
Doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Đà Nẵng: Tìm kiếm thị trường mới
Với tốc độ tăng trưởng bình quân 25-30%/năm, công nghiệp phần mềm được xem là ngành có giá trị xuất khẩu lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách của thành phố. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu phần mềm tại Đà Nẵng đang tìm kiếm thêm những thị trường mới, bên cạnh việc duy trì các thị trường truyền thống như Nhật và Mỹ.
Các doanh nghiệp Đà Nẵng tìm kiếm thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu phần mềm. |
Tăng trưởng ấn tượng
Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Đà Nẵng, nếu như năm 2000, doanh thu lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của thành phố chỉ đạt con số vài trăm nghìn USD thì sau gần 15 năm, con số này đã tăng lên gấp nhiều lần, khoảng 35 triệu USD vào năm 2014.
Trong 9 tháng đầu năm 2015, con số này là 38 triệu USD, tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ, dự kiến đến cuối năm đạt khoảng 40 triệu USD.
“Hiện Đà Nẵng có khoảng 200 DN trong lĩnh vực phần mềm, trong đó có nhiều DN tăng trưởng trên 50%/năm, được nhiều đối tác nước ngoài lựa chọn để ủy thác dịch vụ phần mềm. Có được thành công đó, ngoài sự nỗ lực của DN, phải kể đến sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc nỗ lực cải tạo môi trường đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ DN vay vốn, đào tạo nguồn nhân lực…”, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở TT&TT kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (IID) cho biết.
Các chuyên gia phần mềm cho rằng, trong tương lai, thị trường xuất khẩu phần mềm ở Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng, bởi các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia đang có xu hướng thuê làm gia công phần mềm.
“Các đối tác nước ngoài rất thích môi trường làm việc tại Đà Nẵng. Nhờ đó, nhiều DN hàng đầu trên thế giới đã tìm đến FPT Software Đà Nẵng để ký kết các hợp đồng gia công phần mềm, trong đó có những hợp đồng trị giá hàng triệu USD, góp phần đưa doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT Software Đà Nẵng tăng trưởng bình quân 50%/năm”, ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software Đà Nẵng chia sẻ. Hiện thị trường xuất khẩu phần mềm lớn nhất ở Đà Nẵng vẫn là Nhật Bản chiếm đến 70%, tiếp theo là thị trường Mỹ chiếm 20%.
Để tìm kiếm thêm nhiều hợp đồng lớn từ các thị trường mới, nhiều DN xuất khẩu phần mềm trên địa bàn thành phố đang đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
“Doanh thu xuất khẩu dữ liệu của V.B.P.O tăng trưởng trung bình khoảng 100%/năm. Trong tương lai, ngoài thị trường Nhật Bản, V.B.P.O có kế hoạch mở rộng thị trường Mỹ và châu Âu”, chị Trần Vũ Nhã Khuyên, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần V.B.P.O chia sẻ.
Vẫn “bí” nhân lực
Dù cơ hội lớn mở ra cho các DN trên địa bàn thành phố trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, nhưng nhiều năm nay, ngành phần mềm Đà Nẵng vẫn chưa “dũng cảm” thâm nhập thị trường quốc tế do thiếu nguồn nhân lực.
Các DN vẫn cứ loay hoay với bài toán không đủ nguồn nhân lực để đáp ứng trình độ chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm cho những dự án xuất khẩu lớn.
“Việc đào tạo nguồn nhân lực phần mềm hiện nay ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố vẫn chưa theo kịp yêu cầu của DN cả về số lượng lẫn chất lượng”, ông Phương cho hay. Các chuyên gia công nghệ thông tin đưa ra cảnh báo, tình trạng thiếu nhân lực phần mềm trên địa bàn thành phố nhiều năm qua đã dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN với nhau.
“Nhiều DN đua nhau đẩy giá tiền lương lên cao để thu hút nguồn nhân lực cho đơn vị mình khiến các DN khác dễ bị “vỡ” các dự án của đối tác nước ngoài, làm ảnh hưởng đến uy tín của chính DN cũng như không xây dựng được hình ảnh đẹp cho ngành phần mềm Đà Nẵng”, ông Thanh nhấn mạnh.
Đà Nẵng đang đứng trước cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là nhiều thị trường mới đang có ý định tìm đến Đà Nẵng để đặt hàng cho những dự án lớn.
Để nắm bắt được “làn sóng” mới này, các DN phần mềm Đà Nẵng cần xác định chiến lược lâu dài, bền vững và khác biệt. Trong đó, việc chủ động đầu tư vào phát triển nhân sự đáp ứng nhu cầu công nghệ, yêu cầu khắt khe của khách hàng là việc làm cấp bách.
“V.B.P.O đã và đang triển khai các chương trình đào tạo nhân lực nội bộ với các kiến thức và kỹ năng chuyên ngành. Do đặc thù công việc còn khá mới mẻ và chưa có chương trình đào tạo nào đáp ứng được thực tế yêu cầu công việc trong lĩnh vực này nên V.B.P.O chủ động triển khai các khóa đào tạo tại chỗ và kết hợp với một số đơn vị đào tạo để triển khai các khóa đào tạo tập trung hướng tới việc thành lập một học viện V.B.P.O chuyên biệt”, chị Khuyên chia sẻ.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN