Kinh tế
Doanh nghiệp miền Trung – Tây Nguyên: Tăng hiệu quả kết nối
Nhằm đẩy mạnh liên kết, hợp tác tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh Đà Nẵng với các tỉnh, thành phố khác, sáng 30-9, UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị Kết nối cung - cầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2015.
Các đại biểu trao đổi thông tin bên lề hội nghị. |
Tham dự và chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cùng lãnh đạo ngành công thương 21 tỉnh, thành phố và hơn 300 doanh nghiệp của cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh: “Đây là sự kiện trong chuỗi hoạt động “Tuần nhận diện hàng Việt” - “Tự hào hàng Việt Nam” đang được triển khai toàn quốc, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thông qua hội nghị này, chúng tôi mong muốn tạo điều kiện để các nhà sản xuất, nhà phân phối, kinh doanh gắn kết, đẩy mạnh hơn nữa thị phần hàng Việt. Bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương cần nghiên cứu thêm để những lần kết nối sau đem lại hiệu quả thiết thực, ngày càng đi vào chiều sâu và tạo ra sức lan tỏa cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước”.
Từ những kết nối...
Đánh giá của Sở Công thương thành phố Đà Nẵng cho thấy, thời gian qua, ngành công thương các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên luôn đề cao việc kết nối giữa các địa phương với nhau. Từ chỗ hình thành một cách tự phát theo nhu cầu của một số doanh nghiệp (DN), đến nay đã thu hút được nhiều đơn vị hưởng ứng tích cực vào hoạt động kết nối cung - cầu. DN không chỉ tìm đối tác mới mà còn hướng đến xây dựng mối quan hệ làm ăn lâu dài, ổn định.
Bên cạnh việc sản xuất các sản phẩm truyền thống còn quan tâm mở rộng nhu cầu đa dạng của đối tác, sản xuất cái người khác cần thay vì cái mình có. Xu hướng tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng gia tăng, tạo cơ hội cho các sản phẩm địa phương có thị trường tiêu thụ. Việc kết nối của các DN từng bước tăng về số lượng và quy mô, các bên tham gia hầu hết đều ghi nhận lợi ích rõ ràng từ việc hợp tác, gia tăng lợi nhuận, doanh thu…
Ghi nhận thành công từ những kết nối trước đó, ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty Kiến trúc và TM Á Châu chia sẻ: “Cũng như nhiều công ty nhỏ khác, trong nhiều năm chúng tôi yên phận là DN phụ trợ có quy mô nhỏ, vốn ít, đất nhỏ, tầm nhìn hạn chế. Mặc dù vẫn tăng trưởng đều đặn nhưng chúng tôi không dám nghĩ đến việc chiếm lĩnh thị trường đòi hỏi chất lượng cao, số lượng lớn.
Sau các hội nghị kết nối cung - cầu do Sở Công thương Đà Nẵng tổ chức, chúng tôi có nhiều mối quan hệ với khách hàng trong và ngoài thành phố, có thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu, lựa chọn và đến với nhau. Từ một công ty nhỏ, nhờ định hướng tốt, chúng tôi dần lớn mạnh và trở thành một trong những công ty hàng đầu về sản xuất giấy và bao bì carton Đà Nẵng.
Đại diện Saigon Co.op, bà Nguyễn Bích Ly, Giám đốc khu vực miền Trung cũng khẳng định: Thông qua việc kết nối giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nhanh nhất với nguồn hàng chất lượng, an toàn, có nguồn gốc, tạo điều kiện để cộng đồng DN Việt phát triển bền vững. Với tiêu chí đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng gần hơn, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các cơ sở sản xuất ngành hàng nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, đối với các nhà cung ứng, để đạt hiệu quả hợp tác cần có đầy đủ hồ sơ pháp lý, cũng như cam kết về đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Đến các giải pháp tích cực
Đại diện Sở Công thương các tỉnh, thành thừa nhận, mặc dù công tác kết nối được hình thành nhưng số lượng còn ít, lĩnh vực ngành nghề hợp tác chưa toàn diện. Trong đó, một số ký kết cung ứng tiêu thụ sản phẩm mới chỉ mang tính thăm dò, chưa có giá trị cao. Ngành công nghiệp hỗ trợ còn nhỏ bé chưa thể tham gia vào chuỗi giá trị trong sản xuất. Nhiều sản phẩm có thế mạnh của các địa phương chưa đảm bảo các tiêu chí để vào hệ thống phân phối hiện đại…
Ông Kiều Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Muốn sản phẩm vươn xa, bản thân DN phải thực sự chủ động trong việc nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, khai thác thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức cần duy trì và đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu với điểm nhấn là hội nghị kết nối các thành phố lớn như Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng - Cần Thơ - Hải Phòng được diễn ra thường xuyên với thời gian định kỳ để các đơn vị và DN có kế hoạch tham gia. Sau kết nối cũng cần thông tin về kết quả cho các địa phương để DN chủ động tiếp cận với đối tác nhằm thương thảo, khảo sát đi đến ký kết hợp đồng”.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả kết nối cung - cầu, theo ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng, trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh hoạt động kết nối hằng năm.
Cùng với đó, sẽ tìm hiểu các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của các tỉnh, thành phố, giới thiệu các DN uy tín đến mở rộng đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất, phát triển mạng lưới phân phối. Việc kết nối các ngân hàng với DN các tỉnh, thành sẽ được chú trọng, đặc biệt là kết nối 3 bên: ngân hàng - DN sản xuất - chuỗi cung ứng. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng đến xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông, thủy, hải sản ở từng địa phương phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết: Tạo ra kênh tiêu thụ các sản phẩm vùng, miền một cách ổn định, bền vững Nét đặc biệt của Hội nghị kết nối cung - cầu năm nay có thể thấy, quy mô tổ chức không còn bó hẹp trong địa bàn Đà Nẵng mà được nâng lên cấp khu vực. Đối tượng doanh nghiệp tham gia được mở rộng hơn. Các mặt hàng đem tới giới thiệu và quảng bá đa dạng hơn. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi cho các DN của Đà Nẵng cũng như các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh, thành trong cả nước gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu nhu cầu, kết nối hợp tác trong hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa và dịch vụ. Điều này góp phần tạo ra kênh tiêu thụ các sản phẩm vùng, miền một cách ổn định, bền vững, có chất lượng cao, giá thành hợp lý và có tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH