Kinh tế

DỰ ÁN CƠ CHẾ TÍN CHỈ CHUNG

Hướng tới sử dụng năng lượng hiệu quả

07:47, 05/11/2015 (GMT+7)

Sáng 4-11, Hội thảo “Thúc đẩy xây dựng và triển khai các dự án cơ chế tín chỉ chung” diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn và ông Tetsuya Nakajima, Giám đốc điều hành Cục Hợp tác phát triển Văn phòng Quốc tế thành phố Yokohama, với sự tham dự của các doanh nghiệp (DN), chuyên gia đến từ Nhật Bản.

Đà Nẵng và chính quyền thành phố Yokohama trao đổi những thông tin liên quan đến dự án JCM.
Đà Nẵng và chính quyền thành phố Yokohama trao đổi những thông tin liên quan đến dự án JCM.

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Chương trình Dự án Cơ chế tín chỉ chung (JCM) rất thiết thực và hữu ích, sẽ giúp các DN tư nhân tại Đà Nẵng sử dụng năng lượng hiệu quả, nhằm cắt giảm chi phí, nâng cao sản xuất; đồng thời giảm phát thải khí nhà kính để bảo vệ môi trường, từ đó hướng đến xây dựng thành phố môi trường tại Đà Nẵng.

Vì vậy, lãnh đạo thành phố kêu gọi và khuyến khích các DN Đà Nẵng tích cực tham gia chương trình hợp tác nghiên cứu khả thi về JCM để đầu tư thay mới các thiết bị sản xuất; mong muốn thành phố Yokohama tiếp tục xúc tiến với Chính phủ Nhật Bản nhằm tìm kiếm các nguồn tài trợ tương tự để mở rộng đối tượng tham gia vào chương trình.  

Ông Kazuhiro Kumakubo (chuyên gia nhóm nghiên cứu khảo sát JCM) cho biết, Nhật Bản là một trong nhiều quốc gia đã phát thải nhiều khí CO2 ra môi trường, chính vì vậy trách nhiệm liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu là rất lớn. Đây là một trong những lý do để Nhật Bản quan tâm hỗ trợ Việt Nam tham gia dự án. Theo đó, Bộ Môi trường Nhật Bản sẽ hỗ trợ tối đa 50% tài chính đối với việc đầu tư mới thiết bị kỹ thuật giảm thiểu CO2.

Thời gian thực hiện dự án tối đa 3 năm, mỗi năm 2,4 tỷ yên/tổng ngân sách vào khoảng 7,2 tỷ yên Nhật (khoảng hơn 1.300 tỷ đồng). Để nhận được hỗ trợ từ phía Nhật Bản, các DN phải nắm được các thủ tục đăng ký, quy trình lập dự án và đáp ứng các tiêu chí thẩm định. Thông qua hiệp hội quốc tế, đại diện dự án sẽ phụ trách việc nộp hồ sơ và làm việc với Bộ Môi trường. Do đó DN nước sở tại chỉ cần tham gia, mọi thủ tục đã có DN Nhật Bản thực hiện.

Ông Kazuhiro Kumakubo phân tích: “Việc tham gia dự án sẽ đem lại nhiều lợi ích cho DN như giảm chi phí đầu tư ban đầu, chi phí quản lý vận hành. Các thiết bị của Nhật Bản rất tiên tiến, thời gian khấu hao lâu nên hoàn toàn yên tâm khi sử dụng”. Tại Việt Nam, có một số dự án đã và đang được triển khai như lắp đặt hệ thống điều hòa tiết kiệm năng lượng tại nhà máy sản xuất kính, thay thế máy điều hòa không khí, máy biến tần cho khách sạn hay lắp đặt máy biến áp vô định hình hiệu suất sao cho mạng truyền tải và phân phối điện…

Là một trong 6 đơn vị trên địa bàn Đà Nẵng được khảo sát tham gia vào dự án, ông Bùi Thọ Ninh, đại diện Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng cho biết: “Để triển khai dự án thay thế các thiết bị, chúng tôi sẽ phải tiến hành 3 hoạt động chính. Trước tiên, thu thập dữ liệu đánh giá lại các hoạt động của các máy bơm.

Thứ hai, phải tính toán chi phí đổi mới, cân đối nguồn vốn để thực hiện dự án và chuẩn bị tài liệu phục vụ cho quy trình đấu thầu. Dự án cải tạo lại các máy bơm có hiệu suất thấp, lắp đặt biến tần, tăng hiệu suất năng lượng của thiết bị máy bơm thực hiện tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, Nhà máy nước Sân bay... Chúng tôi mong kết quả sau dự án thay thế hợp lý sẽ góp phần nâng cao chất lượng hệ thống cấp nước tại thành phố, đem lại dịch vụ tốt hơn cho người dân”.

Nhà máy Giấy Tân Long (KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu) cũng vừa được đoàn khảo sát của Yokohama đánh giá cao, là DN tích cực trong chính sách tư vấn từ chương trình tiết kiệm năng lượng của Nhật Bản. Thông qua trao đổi, nhiều ý kiến lo ngại về xuất xứ thiết bị. Các chuyên gia dự án khẳng định, cho dù sản phẩm có sản xuất tại Trung Quốc, Thái Lan hay Việt Nam thì đều đáp ứng theo tiêu chuẩn công nghệ Nhật Bản. Một số DN tại Đà Nẵng cũng bày tỏ băn khoăn về việc thời gian qua, không nhiều DN trong nước tham gia dự án.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Tổ Thư ký Ủy ban hỗn hợp JCM lý giải là do các DN chưa hiểu về cơ chế này; mức tài chính của DN đưa ra vượt quá giới hạn chi trả của Bộ Môi trường Nhật Bản và do cả hai phía chưa kết hợp chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, đến nay đã có thêm nhiều dự án tham gia, các quy trình đã được phổ cập tốt hơn rất nhiều so với lúc ban đầu. Trong quá trình triển khai cũng có một vài vướng mắc về cơ chế đấu thầu, nhưng đây vẫn là giai đoạn tìm hiểu và tìm kiếm để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các dự án hợp tác.

Cơ chế tín chỉ chung là cơ chế Nhật Bản đề xuất đối với các quốc gia đang phát triển nhằm thúc đẩy việc chuyển giao và phổ biến các công nghệ phát thải carbon thấp để hướng tới tăng trưởng xanh ở nước sở tại và hỗ trợ thực hiện cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải nhà kính của Nhật Bản. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa thành phố Yokohama và Đà Nẵng, chính quyền thành phố Yokohama đã xúc tiến đề xuất chương trình Hợp tác nghiên cứu khả thi về JCM tại Đà Nẵng từ vốn của Bộ Môi trường Nhật Bản.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

.