.

Hệ thống bán lẻ Đà Nẵng trước ngưỡng cửa TPP

.

Kể từ ngày 1-11-2015, Việt Nam cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài theo cam kết gia nhập WTO. Bên cạnh đó, việc tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho thị trường trong nước. Các chuyên gia khẳng định, TPP có mức độ tự do hàng hóa cao nên các nhóm ngành về phân phối, bán lẻ, cũng được hưởng lợi.

Các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đã có bước chuẩn bị  khi Hiệp định TPP có hiệu lực.
Các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đã có bước chuẩn bị khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

Tại Đà Nẵng, chuẩn bị cho TPP, ngành Công thương tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, chương trình nhằm phổ biến và trang bị thông tin bổ ích cho đại diện quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Bởi năm 2015 là năm khu vực kinh tế chung ASEAN chính thức có hiệu lực cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn nhân lực… di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối.

Đặc biệt, hơn 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan. Vì thế, đối với hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ ở địa phương rất cần có những bước chuẩn bị kỹ càng, càng sớm càng tốt.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương, nhận định: Trước khi có Hiệp định TPP, các nhà đầu tư bán sỉ, lẻ nước ngoài đã xem Đà Nẵng như là mảnh đất tiềm năng muốn chiếm lĩnh như Metro Cash Carry, BigC, Lotte Mart, Parson…

Đến nay, các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đã có mặt đông đủ để phục vụ cho nhu cầu gần 1 triệu dân thành phố, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ bộ vào trong lĩnh vực bán lẻ. Điều này tạo ra một cuộc cạnh tranh lớn không kém phần gay gắt và nếu doanh nghiệp nhỏ không có tiềm lực tài chính chắc chắn sẽ gặp khó khăn.

Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng các nhà doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn không khỏi lo ngại. Bà Phan Như Yến, Giám đốc Công ty Intimex Đà Nẵng bày tỏ: Việc các nhà bán lẻ nước ngoài như BJC Thái Lan, Central Thái Lan, BigC Pháp, Lotte Hàn Quốc, Aeon Mall Nhật… đầu tư vào Việt Nam đã tạo nên một sự cạnh tranh rất lớn cho các nhà bán lẻ trong nước.

Khi thị trường bán lẻ Việt Nam hoàn toàn mở cửa và thuế suất nhập khẩu bằng 0% sẽ là áp lực rất lớn cho các nhà bán lẻ và các nhà sản xuất trong nước. Bởi nhà bán lẻ nước ngoài là những tập đoàn lớn xuyên quốc gia, tiềm lực tài chính lớn, sức đầu tư cho kênh bán lẻ hiện đại mạnh.

Các nhà bán lẻ nước ngoài sẵn sàng ưu tiên hỗ trợ hàng xuất xứ nước họ bằng các biện pháp trợ giá khi thông qua kênh các nhà bán lẻ của họ tại Việt Nam dễ dàng đưa vào bán với rất nhiều lợi thế cạnh tranh với hàng Việt Nam. Trong khi đó các nhà bán lẻ Việt Nam lại hoạt động tự lập, riêng lẻ, yếu sức, khó tránh khỏi sự đối đầu với những “ông lớn” nước ngoài.

Song theo ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Đối ngoại và quan hệ công chúng BigC Việt Nam: “Tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ Đà Nẵng hiện nay vẫn rất cao vì, ngoài người tiêu dùng địa phương và các vùng lân cận, hằng năm, Đà Nẵng còn đón hàng triệu lượt khách đến du lịch, tham quan và mua sắm.

Cam kết gia nhập WTO không phải là một vấn đề mới. Cam kết này đã có từ tháng tháng 1-2009 và những quy định cơ bản cũng đã được ban hành. Những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường sau này chắc chắn sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn so với Big C, trong khi chúng tôi đã có mặt ngay từ giai đoạn khởi đầu và cũng đã, trong một chừng mực nào đó, góp phần phát triển ngành bán lẻ hiện đại của Việt Nam”.

Có thể thấy, trong số các nhà bán lẻ tại địa phương như Intimex, Co.opmart, Vietronimex..., dù nỗ lực để phát triển trong thời gian qua, nhưng sự bất lợi về điều kiện mặt bằng, quản trị, tài chính, quả là quá khập khiễng khi so sánh với những “đại gia” có điều kiện về ngoại lực. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan Nhà nước cần rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động phân phối nhằm bảo vệ quyền và lợi ích tối đa mà Việt Nam đã đạt được trong các cam kết quốc tế.

Thành phố cần ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, từ đó có giải pháp hỗ trợ mặt bằng cho các doanh nghiệp trong nước; hỗ trợ các doanh nghiệp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, ứng dụng CNTT, tư vấn pháp lý, tiếp cận tín dụng… Đặc biệt cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

“Đà Nẵng đang tập trung phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại. Trên cơ sở đó, thành phố tận dụng lợi thế là trung tâm kinh tế lớn của miền Trung có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh để phát triển mạng lưới phân phối, bán buôn, bán lẻ. Hiện nay, với mạng lưới trên 85 chợ truyền thống lớn, nhỏ và hàng chục siêu thị, trung tâm thương mại có sẵn, Đà Nẵng sẵn sàng đón cơ hội và thách thức khi hội nhập”, bà Mai cho biết.

Tại Hội thảo “Rào cản phi thuế quan - Những vấn đề thương mại mới trong các hiệp định thương mại tự do” được tổ chức tại Đà Nẵng mới đây, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nói rằng, không ít doanh nghiệp lo ngại khi gia nhập TPP thì hàng ngoại ồ ạt nhập vào sẽ chiếm hết thị phần, dần dần “bóp chết” hàng nội. Hội nhập có cơ hội lớn, tất nhiên có cả rủi ro.

Thế nhưng, muốn phát triển thì phải trải qua những khó khăn, đó là quy luật tất yếu. Đối với ­người tiêu dùng trong nước, cơ hội rõ ràng là sẽ được tiếp cận các mặt hàng đa dạng hơn, chất lượng tốt hơn, giá cạnh tranh hơn bởi không còn độc quyền.

Tuy nhiên, ngược lại người dân cũng sẽ gặp rủi ro khi các mặt hàng không được kiểm soát tốt, nó sẽ tuồn cả những thứ độc hại vào. Cho nên, trách nhiệm của các bộ, ngành hữu trách là cần phải có những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng...

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.