Kinh tế

Giao thông công cộng phải kết nối với giao thông cá nhân

14:36, 27/01/2016 (GMT+7)

Đó là sự khẳng định của các chuyên gia quy hoạch, tổ chức giao thông công cộng (GTCC) đến từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh tại Hội thảo “Kinh nghiệm của thế giới hướng đến phát triển giao thông đô thị bền vững”, do khoa Cầu đường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức sáng 26-1.

Theo ông James Tinnion Morgan, chuyên gia quy hoạch GTCC, Anh quốc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cevitrans, người đã có 4 năm sống, làm việc và nghiên cứu giao thông Việt Nam, cái thiếu lớn nhất  GTCC của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng là công tác quy hoạch đô thị chưa gắn kết với GTCC. Điều này dẫn đến hệ thống GTCC mà cụ thể tại Đà Nẵng là xe buýt bị “đơn độc” không phát huy được tác dụng.

Lẽ ra, để GTCC phát triển thì hệ thống xe buýt phải gắn kết với hình thức giao thông cá nhân khác của người dân là ô-tô, xe gắn máy, mô-tô, xe đạp và cả việc đi bộ. Hiện nay, chúng ta mới tổ chức cho xe buýt chạy một số tuyến đường chính và trên đó lắp đặt một số trạm chờ và chỉ có vậy là không thu hút người dân sử dụng xe buýt.

Sau lên xuống chặng cuối hành trình xe buýt, người dân đi tiếp các chặng khác như về nhà, đến công sở, các trung tâm mua sắm bằng gì nữa? Câu hỏi này hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Trả lời câu hỏi này thì ngay từ công tác quy họach đô thị phải dành đất cho các trạm xe buýt, hoặc phương tiện GTCC khác để biến nơi đây thành không gian cho nhiều họat động khác nữa như giải trí, đi mua sắm và đặc biệt là có chỗ cho họ gửi xe cá nhân khi chuyển sang phương tiện GTCC.

Đồng quan điểm này, nhưng ông Sam Zimmerman (Mỹ), chuyên gia vận tải công cộng cao cấp của WB, nhấn mạnh đến yếu tố “tầm nhìn đô thị” trong quy hoạch đô thị của một địa phương cụ thể. Một trong những cách mà các thành phố ở Việt Nam đang sử dụng về giao thông là làm sao chống “ùn tắc giao thông”, tuy nhiên đây là cách làm không hiệu quả.

Để giải bài toán này, công tác quy hoạch GTCC phải tính toán trên cơ sở phân tích đến các phương án giao thông; thiết lập các ưu tiên giao thông một cách minh bạch; quản lý giao thông, đậu đỗ và xử phạt; quy định về GTCC... Cũng  theo ông Sam Zimmerman, muốn GTCC phát triển thì phải bảo đảm tính “giao thông tích hợp”, tức là các hình thức giao thông phải có tính hỗ trợ tương tác lẫn nhau mới tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi lựa chọn các phương tiện GTCC cũng như chuyển từ GTCC sang hình thức giao thông cá nhân và ngược lại.

T.S

.