“Khoảng 95% trong tổng số hơn 20.000 chậu hoa ly nở trước Tết 10 ngày không bán được và một nửa trong số 85.000 chậu cúc còn tồn lại sau Tết Nguyên đán Bính Thân là thiệt hại không nhỏ của bà con trồng hoa ở quận Hải Châu. Tính sơ bộ, vụ hoa Tết năm nay, hơn 80 hộ trồng hoa trên địa bàn quận mất hơn 3 tỷ đồng”, ông Huỳnh Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Hải Châu cho biết.
Tại vườn hoa của ông Nguyễn Văn Mỹ (phường Hòa Cường Bắc) 9 ngày sau Tết. |
Thất thu lớn nhất về hoa Tết năm nay là phường Hòa Cường Bắc. Theo bà Trần Thị Năm, Chủ tịch Hội Nông dân phường, 72 hộ trồng hơn 60.000 chậu cúc, trong đó không ít chậu kích thước 1,2m, 15.000 chậu ly, 10.000 chậu vạn thọ, 500 chậu thược dược...
Trước Tết 10 ngày, hoa ly nở hết lượt. Khoảng 50% hoa cúc, Tết đến xuân về vẫn chưa nở, rất khó tiêu thụ. Thất bát quá lớn, nhiều gia đình không còn tâm trí nào để đón Tết. Có người, giao thừa đến mà chẳng buồn về nhà, ở lại vườn hoa với nỗi buồn khó tả.
Vụ hoa Tết năm nay, hộ ông Nguyễn Quang Xí, ở tổ 101, phường Hòa Cường Bắc, trồng 4.000 chậu cúc, 6.000 chậu ly, 2.000 chậu hoa các loại khác. Như mọi năm, số hoa này bán hết thì ông thu hơn 1 tỷ đồng. Thế nhưng năm nay, toàn bộ số hoa ly không thu được một đồng, do nở quá sớm, Tết đến chỉ có cây mà không còn hoa.
Trong số 6.000 chậu cúc bán được gần 2.000 chậu, giá lại thấp nên chỉ thu được 183 triệu đồng. Lão nông dạn dày kinh nghiệm trồng hoa này buồn rầu cho biết: Kể từ khi vào nghề trồng hoa, chưa bao giờ thất thu lớn như vụ hoa Tết năm nay.
Tính ra, mất đứt hơn 800 triệu đồng. Về nguyên nhân, ông đúc kết: Về hoa cúc một phần do thời tiết khá thất thường, lúc nóng lúc lạnh, một phần do cắt điện khá trễ. Giá như cắt điện (chăng điện vào ban đêm trên vườn hoa) sớm hơn, có khi hoa nở đúng dịp.
Cùng theo đó, năm nay, hoa cây cảnh chất lượng cao đổ về Đà Nẵng quá nhiều, làm cho hoa lâm vào tình trạng khủng hoảng thừa. Mấy năm trước, vào dịp cận Tết, khách hàng từ Quảng Bình, Quảng Trị vào mua số lượng lớn. Năm nay tuyệt nhiên vắng hẳn.
Tương tự, các hộ Nguyễn Văn Mỹ, Nguyễn Văn Bạn, Nguyễn Thị Đại ở tổ 135 phường Hòa Cường Bắc, thất thu hàng trăm triệu đồng/hộ chỉ vì hoa ly nở sớm, hoa cúc nở muộn. Hộ ông Nguyễn Văn Tiếp, ở tổ 152 phường Hòa Cường Bắc trồng 800 chậu ly, chỉ thu được 5 triệu đồng bằng cách cắt cành bán.
Sau Tết hơn 1 tuần, ông cắt hoa cúc tại những chậu đại cỡ 1,2m, bán gỡ gạc chút đỉnh. Ông Tiếp cho biết, với chậu cúc loại lớn, nở đúng dịp bán ra 4,5 - 5 triệu đồng/cặp; thế mà nay cắt bông bán, may ra 2 chậu chỉ kiếm vài trăm nghìn đồng.
Tại phường Hòa Cường Nam, 8 hộ trồng khoảng 25.000 chậu cúc, 6.000 chậu ly và nhiều loài hoa khác. Cũng như bà con ở phường Hòa Cường Bắc, toàn bộ hoa ly đều thất thu do Tết đến hoa rụng gần hết, bán giá bèo 20.000-30.000 đồng/chậu mà chẳng mấy người mua.
Còn hoa cúc một phần do nở muộn, phần lớn do áp lực thị trường nên chỉ tiêu thụ chừng 50%. Ông Ngô Văn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân phường cho biết: Sau Tết nhiều ngày, ra vùng trồng hoa vẫn thấy vàng rực, ai nấy buồn rười rượi. Hộ ông Phạm Châu mất đứt mấy trăm triệu đồng.
Do đâu vụ hoa Tết năm nay của bà con quận Hải Châu thất bát? Tìm hiểu, ai nấy đều đổ lỗi do thời tiết. Song theo chúng tôi, thời tiết chỉ là phần nhỏ, bởi ở huyện Hòa Vang, trồng 239.000 chậu hoa các loại, trong đó cúc, ly là chủ lực thế mà tiêu thụ hết, thu về hơn 13 tỷ đồng.
Hoặc như hoa tại các địa phương khác như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, tuy không nhiều, song tình trạng dư thừa sau Tết hầu như không xảy ra. Vậy đâu là nguyên nhân chính? Có thể nói rằng, thời gian xuống giống quá sớm đối với hoa ly, muộn đối với hoa cúc là yếu tố tác động đến thành quả sản xuất của người trồng hoa Hải Châu.
Bên cạnh đó, cắt điện trễ, làm hoa chậm nở. Ngoài ra cũng phải nói thêm rằng, ở Đà Nẵng, đa số người trồng hoa đều ưu tiên trồng cúc, ly, số lượng lớn. Năm trước, thu nhập khá, năm sau ai nấy đều tăng sản lượng, ít ai dự báo sự tăng này sẽ gây nguy cơ thừa. Trong khi, mỗi dịp Tết đến xuân về, hoa cây cảnh cao cấp từ mọi miền đất nước đổ về Đà Nẵng với số lượng rất lớn, chiếm hẳn thị phần hoa Tết, làm cho hoa cúc khá dân dã ế ẩm là điều dễ hiểu.
Thất bát từ vụ hoa Tết năm nay của bà con trồng hoa quận Hải Châu là bài học cho người trồng hoa cũng như ngành chức năng. Sau vụ hoa Tết năm nay, ngành Nông nghiệp, Hội Nông dân, Hội Làm vườn các cấp ở Đà Nẵng cần mở hội thảo chuyên đề về hoa Tết, tìm ra nguyên nhân gây thất bát, đồng thời mở ra hướng đi mới cho hoạt động kinh tế này, để người trồng hoa không gặt “quả đắng” vào các vụ sau.
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu