Kinh tế

KÝ KẾT THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ NHÓM DOANH NGHIỆP

Sẵn sàng hội nhập

08:15, 28/03/2016 (GMT+7)

Sau 2 năm nỗ lực đàm phán, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Đà Nẵng đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tổ chức lễ ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm doanh nghiệp (DN) du lịch, giúp giảm sự luân chuyển lao động và thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Đây là TƯLĐTT nhóm đầu tiên tại Việt Nam được ký kết. Để hiểu rõ hơn quá trình thương lượng và ký kết, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông HOÀNG HỮU NGHỊ (ảnh), Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng, Trưởng nhóm đàm phán về vấn đề này.

* Xin ông cho biết lý do nào LĐLĐ Đà Nẵng nghĩ đến việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT nhóm, một việc làm chưa từng có từ trước đến nay?

- Như chúng ta đã biết, TƯLĐTT được coi là “luật con” của DN, là công cụ điều chỉnh quan hệ lao động tại DN. Trong những năm qua, LĐLĐ thành phố Đà Nẵng đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình “Nâng cao chất lượng TƯLĐTT”, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Công đoàn (CĐ).

Hiện nay, toàn thành phố có 568/750 Công đoàn cơ sở (CĐCS) tại DN ký kết TƯLĐTT (đạt 76%) và nội dung các bản thỏa ước đều có những điều khoản có lợi cho người lao động (NLĐ) so với quy định của pháp luật.

Đây là cơ sở pháp lý để CĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đồng thời bảo vệ quyền lợi của NLĐ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hạn chế tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, được sự hỗ trợ của Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam, LĐLĐ thành phố đã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện “Thí điểm về thương lượng tập thể nhóm DN và xây dựng bản TƯLĐTT nhóm DN”; đồng thời chọn Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours, Công ty CP Khách sạn Sài Gòn Tourane, Công ty TNHH Du lịch - Thương mại Phú An Thịnh, Công ty CP Du lịch Phương Đông Việt là 4 DN thuộc ngành dịch vụ du lịch để triển khai thực hiện.

Việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT nhóm có thể giúp giảm sự luân chuyển lao động và thúc đẩy quan hệ lao động ổn định, bởi NLĐ ít có động cơ rời bỏ DN này để chuyển đến một DN khác khi các điều kiện tương tự được áp dụng cho tất cả các DN.

Điều đó tốt cho NLĐ, bởi họ được hưởng các điều kiện lao động giống với những người lao động ở các DN khác và cũng tốt cho NSDLĐ vì họ có được quan hệ lao động ổn định hơn. Và quan trọng hơn cả, việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT nhóm nhằm đổi mới thực chất hoạt động CĐCS bằng tăng cường vai trò và sự hỗ trợ trực tiếp của LĐLĐ thành phố đối với CĐCS trong quan hệ lao động, tăng cường sự tham gia thực chất của NLĐ và CĐCS trong các hoạt động của LĐLĐ thành phố Đà Nẵng; đưa vào những nội dung thương lượng tập thể không những có lợi hơn so với quy định của pháp luật mà còn có những điều khoản có lợi hơn so với 4 bản TƯLĐTT DN đang lưu hành; khắc phục nguyên nhân chủ yếu của tình hình biến động và bất ổn trong quan hệ lao động; huy động sức mạnh tập thể của NLĐ ở 4 DN, Ban Chấp hành CĐCS để thực hiện quá trình đàm phán, thương lượng; thí điểm hình thức ký kết TƯLĐTT khác có hiệu quả hơn mà hiện nay Chính phủ chưa có văn bản hướng dẫn rõ ràng.

* Ông cho biết thêm về quá trình thương lượng và kết quả đạt được của bản TƯLĐTT nhóm DN  đầu tiên tại Việt Nam này?

- Xác định việc thương lượng tập thể nhóm DN là việc làm chưa có tiền lệ, đồng thời cơ sở pháp luật quy định chưa rõ ràng, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố quyết định thành lập Đoàn đàm phán, thương lượng tập thể nhóm gồm 9 cán bộ, do Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố làm Trưởng đoàn, đồng thời nghiên cứu xây dựng 7 bước tổ chức quá trình thương lượng tập thể nhóm.

Sau gần 2 năm triển khai với 11 lần dự thảo nội dung TƯLĐTT nhóm DN, lấy ý kiến tham gia của NLĐ, NSDLĐ, cán bộ CĐ và 9 buổi thương lượng tập thể và nhiều cuộc đối thoại trực tiếp giữa đại diện LĐLĐ thành phố Đà Nẵng với các DN, đến nay việc xây dựng, đàm phán thương lượng để ký kết TƯLĐTT nhóm DN dịch vụ - du lịch đã thành công.

Theo đó, một số điều khoản chính được thống nhất trong TƯLĐTT với nội dung quan trọng, gồm: Bảo đảm việc làm cho NLĐ; tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp, nâng lương và một số nội dung khác mà hai bên quan tâm như trợ cấp khó khăn, chế độ thăm hỏi, hoạt động CĐCS...

Đặc biệt, nội dung thành công nhất mà thỏa ước đạt được là vấn đề tiền lương cho NLĐ, trong đó, mức lương tối thiểu trả cho NLĐ (chưa qua đào tạo) tại 4 DN phải cao hơn ít nhất 3,3% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với lao động chưa qua đào tạo nghề của thỏa ước này (tăng ít nhất 10,3% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định); tăng mức phụ cấp ăn giữa ca và các khoản trợ cấp khác... Các điều khoản này được xem như mức sàn được áp dụng chung cho cả 4 DN trên, khuyến khích những DN có những ưu đãi cao hơn cho NLĐ. Ngoài 4 DN trên, đối với các DN có cùng ngành nghề chưa có TƯLĐTT vẫn có thể tham gia và thực hiện chung TƯLĐTT nhóm DN này.

* Trong quá trình triển khai thương lượng, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ông có những chia sẻ cụ thể về vấn đề này?

- Xác định 7 bước tổ chức thương lượng tập thể nhóm DN là việc làm quan trọng giúp định hướng đường đi của nhóm thí điểm LĐLĐ thành phố Đà Nẵng trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, những khó khăn từ yếu tố kỹ thuật như: Chính phủ chưa có quy định về TƯLĐTT nhóm nên khi triển khai vấp ngay sự lúng túng trong việc hình thành nội dung, thể thức, hình thức của bản thỏa ước nhóm cũng như trình tự quá trình thương lượng, đàm phán nhóm; chủ thể ký kết TƯLĐTT khi vào chung 1 nhóm chưa được xác định rõ.

Bên cạnh đó là những khó khăn từ cơ sở pháp lý và tình hình thực tế tại các DN như quy mô, tính chất, điều kiện kinh doanh, lợi nhuận kinh doanh và nhu cầu sử dụng lao động khác nhau dẫn đến việc trả lương, phụ cấp và phân bổ lợi nhuận cho NLĐ ở mỗi DN khác nhau, do đó phải xác định được những điểm chung của các DN để xây dựng mức sàn trong các nội dung đưa ra thương lượng.

Ngoài ra, khó khăn từ việc thay đổi chủ sở hữu trong quá trình thực hiện cũng gây nhiều trở ngại, DN thay đổi chủ sở hữu, nhân sự CĐCS thay đổi buộc việc khảo sát phải tiến hành lại từ đầu. Có lúc quá trình tổ chức thương lượng rơi vào bế tắc, phải có sự điều chỉnh trong các bước, chú trọng thay đổi phương thức tổ chức thương lượng và tiếp cận NSDLĐ để cả NSDLĐ và NLĐ dễ hiểu, dễ dàng chấp nhận điều kiện của nhau, mục đích là vì quyền lợi của NLĐ được bảo đảm.

Qua 2 năm đàm phán, những nỗ lực của tổ chức CĐ thành phố đã được đền đáp bằng lễ ký kết TƯLĐTT nhóm DN dịch vụ - du lịch trên địa bàn, mang lại quyền lợi cho khoảng 700 NLĐ (với gần 60% là lao động nữ) tại 4 DN tham gia ký kết.

Ghi nhận những thành quả đạt được, Giải thưởng về quan hệ lao động của Văn phòng ILO Việt Nam dành tặng cho LĐLĐ thành phố Đà Nẵng - một trong 5 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm về thương lượng tập thể nhóm DN và xây dựng bản TƯLĐTT nhóm DN (Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh) một lần nữa động viên các cấp CĐ thành phố tiếp tục nỗ lực để những thỏa ước như trên được lan tỏa. Đó là tiền đề để tổ chức CĐ vững bước khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và nhiều hiệp định thương mại khác.

* Xin cảm ơn ông!

Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam: Thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp là một sáng kiến quan trọng trong thực tiễn và quan hệ lao động tại Việt Nam. Thực tiễn dân chủ của cách thức thương lượng tập thể này có thể giúp Việt Nam trong việc thực hiện thành công các nghĩa vụ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương với tư cách là thành viên của ILO”, khẳng định.

NGỌC YẾN thực hiện

.