Kinh tế
Giải pháp bền vững trong quản lý giao thông đô thị
Là trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung, Đà Nẵng có thế mạnh về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng và nguồn lực để ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý giao thông đô thị.
Điều này sẽ giúp thành phố giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, phát triển nhanh mạng lưới vận tải hành khách công cộng, trợ giúp người dân và du khách khi có sự cố xảy ra.
Ứng dụng hiệu quả các giải pháp CNTT trong quản lý đô thị sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. |
Tích hợp vào hạ tầng sẵn có
Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, hiện nay quỹ đất dành cho giao thông tĩnh chiếm tỷ trọng thấp so với quỹ đất dành cho giao thông. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu điểm đỗ xe, bãi đỗ xe trầm trọng ở khu vực trung tâm thành phố cũng như gia tăng tình trạng vi phạm dừng, đỗ xe sai quy định.
Mặt khác, dịch vụ xe buýt đô thị hiện nay cũng rất hạn chế, chỉ chiếm 1% khối lượng vận tải hành khách. “Với sự phát triển chóng mặt của các phương tiện giao thông thì việc ứng dụng CNTT vào quản lý giao thông là vấn đề cần thiết để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, quy hoạch giao thông cho tương lai, phát triển Đà Nẵng theo định hướng thành phố du lịch, môi trường và công nghệ cao”, T.S Phạm Hồng Quang, Trung tâm Tin học và tính toán (VAST) cho biết.
Các chuyên gia đầu ngành cho rằng, để đầu tư ứng dụng CNTT vào quản lý giao thông đô thị với chi phí hợp lý mà hiệu quả cao thì giải pháp tốt nhất là tích hợp vào các hạ tầng sẵn có của thành phố, phát triển trên nền tảng các dự án sắp triển khai như hệ thống giao thông thông minh cho các tuyến xe buýt, hệ thống đèn tín hiệu giao thông…
Hiện hệ thống hạ tầng CNTT và truyền thông của thành phố được các chuyên gia đánh giá cao, bao gồm Mạng đô thị thành phố (Danang MAN), hệ thống kết nối không dây (Wifi), Trung tâm dữ liệu (Data Center) thành phố, Trung tâm đào tạo và nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng này chỉ phục vụ nền tảng “Chính quyền điện tử”, chứ chưa có nền tảng CNTT để quản lý hạ tầng đô thị một cách thống nhất.
Ông Nguyễn Hoài Đức, Trưởng phòng CNTT, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho rằng, để vận hành hiệu quả hệ thống hạ tầng CNTT sẵn có trong quản lý giao thông đô thị thì thành phố cần xây dựng một trung tâm điều hành giao thông thông minh. “Trung tâm này sẽ giám sát hoạt động của xe buýt và xe tuyến cố định, giám sát giao thông thành phố qua hệ thống camera, quản lý đèn tín hiệu giao thông”, ông Đức nói.
Phát triển đô thị với GIS
Theo Sở TT&TT, để giải quyết những thách thức trong phát triển đô thị, trong tương lai, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các công nghệ mới như Internet của vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), hệ thống thông tin địa lý (GIS)…
Trong đó việc quản lý hạ tầng giao thông với công nghệ tiên tiến GIS được xem là giải pháp tối ưu, vừa thân thiện với môi trường vừa phát triển bền vững trong tương lai. Theo GS.TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam nhìn nhận, hiện nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc đánh giá khả năng thực tiễn của công nghệ GIS trong quản lý đô thị.
Hơn nữa, việc áp dụng GIS đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm thế nhưng hiện nay đội ngũ này vẫn còn thiếu và yếu. “Đà Nẵng cần xây dựng một cấu trúc cơ sở dữ liệu GIS về quy hoạch đô thị và phổ biến cho các cơ quan chuyên ngành áp dụng. Điều này sẽ góp phần phòng chống ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn, phân luồng và quy hoạch giao thông thông minh”, GS Hải phân tích.
Theo các chuyên gia CNTT, để xây dựng hệ thống quản lý hạ tầng giao thông trên nền tảng công nghệ GIS, thành phố cần tiếp tục đầu tư và kêu gọi đầu tư vào sự phát triển của các ứng dụng thông minh trong lĩnh vực giao thông như vận tải hành khách công cộng, lắp đặt các camera giám sát, đưa vào các quy định tín hiệu tiên tiến của nước ngoài...
“Thành phố Đà Nẵng sẽ hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước phối hợp để thử nghiệm các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới về thành phố thông minh tại Đà Nẵng, biến Đà Nẵng trở thành môi trường thử nghiệm về ứng dụng CNTT trong quản lý hạ tầng đô thị trước khi nhân rộng ra các địa phương khác”, ông Đức cho hay.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN