Thế nào là khởi nghiệp? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản ấy nhưng xem ra khó nói hết đầy đủ ý nghĩa của nó trong bối cảnh chương trình khởi nghiệp của Việt Nam đương đại mới được diễn ra hai lần, lần một xuất hiện cách đây khoảng 20 năm và lần này.
Cũng từ đó mà kinh nghiệm về khởi nghiệp còn nhiều điều chúng ta phải học hỏi. Trong bài viết này, xin nêu lên những tham khảo mà người Israel đã tổng hợp từ thực tế quá trình khởi nghiệp của họ.
Đó là, phải có một đội ngũ, ít nhất là 3 người: Một người giỏi về kỹ thuật, sản xuất; một người rành về quản trị kinh doanh và một người thuần thục việc kết nối với các nguồn lực khác của xã hội. Phải có một sự cam kết dài hạn và toàn thời gian; không được xem khởi nghiệp như một việc làm thêm hay một sự thử thách cuộc sống. Phải luôn sáng tạo, cập nhật những gì mới nhất của thế giới đang thay đổi mỗi ngày. Phải sẵn sàng cho sự thất bại; muốn vậy phải thật sự bền chí, bản lĩnh và có đủ sức khỏe để theo đuổi con đường này. Phải sống thực tế, đừng ảo tưởng về sức mạnh của bản thân; và phải chung sống với cộng đồng khởi nghiệp một cách hòa hợp và hỗ trợ cao nhất. Giành người, ăn cắp ý tưởng, nói xấu… luôn là những giá trị bị lên án.
Lần khởi nghiệp này, Đà Nẵng đã tiến hành bài bản các bước, trong năm 2015 đã thành lập Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp để phấn đấu 5 năm tới trở thành một thành phố khởi nghiệp. Theo đó, Hội đồng Điều phối đề ra các chương trình công tác cụ thể cho từng thời kỳ nhằm sớm đưa hoạt động khởi nghiệp đi vào nền nếp.
Trước mắt, giao cho các đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá thực trạng để trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp phát triển hoạt động khởi nghiệp, hình thành Quỹ khởi nghiệp thành phố.
Các bước tiếp theo là tổ chức các khóa đào tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đào tạo nhân sự phụ trách giảng dạy khởi nghiệp; thiết lập quan hệ hợp tác với các cơ quan, trường học có phòng thí nghiệm phục vụ dự án khởi nghiệp hiện có trên địa bàn thành phố; tư vấn, hỗ trợ cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp về thành lập doanh nghiệp, công tác quản lý doanh nghiệp, kê khai thuế, quản lý dự án đầu tư, kế hoạch kinh doanh, pháp lý, tài chính, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao năng suất chất lượng, các mô hình và công cụ quản lý tiên tiến…
Sau những trào lưu khởi nghiệp lại xuất hiện những doanh nhân tài năng, tạo dấu ấn đặc biệt giữa một nền kinh tế năng động, đổi mới, phát triển. Doanh nhân dấn thân vào môi trường kinh doanh đúng mực, không để tha hóa của cạm bẫy vật chất, có nghĩa rằng doanh nhân đó trong quá trình kinh doanh đạt được cùng lúc 2 mục đích lợi nhuận và lợi ích cộng đồng xã hội; nếu thiếu một trong 2 điều ấy có thể hiểu đó chưa đích thực là doanh nhân; nhưng nếu đặt nặng lợi nhuận là một sai lầm, vì kinh doanh là nhằm tới khách hàng và thị trường, phục vụ xã hội.
Nói đến điều này, bởi đã có giai đoạn một số doanh nhân phất lên nhờ kinh doanh bất động sản, chứng khoán, ngân hàng đúng thời điểm đó là những ngành “hot”, nhưng sau đó doanh nghiệp sụp đổ vì đó chỉ là thời kỳ bong bóng.
Ngược lại, có những doanh nhân năng động, kinh doanh đạt lợi nhuận cao, doanh nghiệp phát triển nhờ những việc làm đúng đắn của mình. Đó là trường hợp Đỗ Văn Tuấn, Giám đốc Điều hành Hệ thống siêu thị Kids Plaza, sở hữu chuỗi siêu thị đồ dùng mẹ và bé có quy mô lớn ở Việt Nam. Xuất phát từ việc sản xuất bộ trò chơi “Game Cashflow” (Trò chơi dòng tiền) và bán trực tuyến thu được lợi nhuận lớn, nhưng Tuấn không hài lòng vì đây là việc làm sai đã vi phạm bản quyền, lợi dụng tài sản trí tuệ của người khác.
Và anh đã quyết định dừng lại, mặc dù không dễ dàng bởi một bên là lợi nhuận lớn và một bên là lòng tự trọng. Tuấn lại tiếp tục tìm kiếm trên con đường lập nghiệp. Anh mày mò từ những sản phẩm dành cho mẹ và bé ở các phố bán hàng xách tay rồi rao bán trên trang web của mình. Tuy nhiên, tâm lý người tiêu dùng vẫn thích “nhìn tận mắt, sờ tận tay” nên Tuấn vừa bán trên mạng vừa mở cửa hàng bán trực tiếp.
Từ đó, khách hàng ngày càng đông, yêu cầu mở rộng cửa hàng càng lớn. Hệ thống siêu thị Kids Plaza hình thành từ đó. Điều quan trọng ở doanh nhân Đỗ Văn Tuấn là “dám nghĩ dám làm mới có thể trở nên giàu có”, là nhận thức “quyền lực của thị trường không thuộc về người bán mà thuộc về người mua”, nhờ đó anh tạo dựng được chuỗi siêu thị đồ dùng mẹ và bé lớn nhất nhì Việt Nam, có được lượng khách hàng lớn và ổn định, đặc biệt giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Khởi nghiệp từ những sáng kiến hay, ý tưởng tốt để tạo ra nhiều hàng hóa, nhiều việc làm cho xã hội; tạo ra những tiến bộ xã hội. Khởi nghiệp và doanh nhân, doanh nghiệp cùng đồng hành tồn tại. Nhưng doanh nhân, doanh nghiệp muốn khởi nghiệp thành công phải chấp nhận rủi ro, dấn thân, mạnh mẽ và tin tưởng vào bản thân để kiên trì theo đuổi mục tiêu đề ra.
Thanh Gián