Kinh tế

Đầu tư đội tàu đánh bắt xa bờ

07:39, 13/05/2016 (GMT+7)

Nhằm khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản, kết hợp bảo vệ chủ quyền, những năm qua, quận Sơn Trà chú trọng đầu tư phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ.

Những năm gần đây, quận Sơn Trà luôn chú trọng phát triển đội tàu xa bờ. TRONG ẢNH: Tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Sương hạ thủy vào đầu tháng 5-2016.
Những năm gần đây, quận Sơn Trà luôn chú trọng phát triển đội tàu xa bờ. TRONG ẢNH: Tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Sương hạ thủy vào đầu tháng 5-2016.

Hiệu quả kinh tế cao

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, những năm gần đây, ngành khai thác thủy sản Sơn Trà vươn lên dẫn đầu thành phố về số lượng tàu lớn mang lại nguồn lợi hải sản có giá trị, hiệu quả kinh tế cao.

Trong năm 2015, trên địa bàn quận có 4 con tàu công suất từ 800CV đến 1.000CV của anh Nguyễn Sương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho thu nhập trên 5 tỷ đồng. Ngư dân Nguyễn Sương cho biết: Từ năm 2014, gia đình đã cho hạ thủy 3 con tàu có công suất lớn, theo mẫu thiết kế của Thái Lan, quá trình đánh bắt, tàu chịu sóng gió tốt, đánh bắt hiệu quả và chất lượng hải sản khi về đất liền rất cao. “Năm 2016, chúng tôi đặt chỉ tiêu tăng thu nhập trên 20% so với năm vừa qua, đồng thời tăng thu nhập cho lao động từ 100 triệu đồng lên 120 triệu đồng/năm”, ông Nguyễn Sương chia sẻ.

Tàu ĐNa 90026 của ông Lê Văn Xin (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) những năm qua cũng mang lại thu nhập ổn định, kể cả thời gian Biển Đông “dậy sóng” do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo lãnh đạo quận Sơn Trà, ngư dân Lê Văn Xin không những làm kinh tế hiệu quả mà luôn có tinh thần, trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc. “Mỗi năm tàu tôi cũng đã có hơn chục chuyến biển tại ngư trường Hoàng Sa. Ngoài thu lợi hàng trăm triệu đồng, chúng tôi còn làm “nhân chứng sống” khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam”, ông Lê Văn Xin chia sẻ.

Nói đến ngư dân khai thác hải sản hiệu quả tại quận Sơn Trà, không thể không nhắc đến ông Trần Văn Mười (phường Mân Thái) với con tàu câu mực lớn nhất miền Trung, hằng năm vươn khơi đánh bắt mực sà tại ngư trường Trường Sa cho thu nhập từ 2-3 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Mười chia sẻ: “Làm biển mà không mạnh dạn đầu tư tàu lớn, thiết bị công nghệ hiện đại thì không thể sánh kịp với ngư dân các nước láng giềng. Cạnh đó, tàu lớn thường bám biển dài ngày để giữ biển, đảo của Tổ quốc”.

Tàu lớn liên tục tăng

Bà Trần Thị Thanh Tâm cho biết thêm, chủ trương phát triển ngành thủy sản của quận theo hướng giảm dần tàu công suất nhỏ, tăng lượng tàu có công suất lớn. Năm 2015, số tàu có công suất từ 90CV trở lên tăng 60 chiếc (từ 201 chiếc năm 2014 lên 261 chiếc năm 2015), công suất tăng 37.141CV (từ 69.556CV năm 2014 lên 106.697CV năm 2015). Đây là sự chuyển dịch tích cực có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển khai thác hải sản bền vững theo hướng vươn khơi và kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Bên cạnh đó, từ năm 2015 đến nay, quận có 11 ngư dân đăng ký đóng mới tàu theo Quyết định 47 của UBND thành phố, đã có 9 phương tiện hạ thủy. Riêng gia đình ngư dân Cao Văn Minh (phường Nại Hiên Đông) đóng và hạ thủy 3 tàu vỏ gỗ công suất lớn, 3 ngư dân đóng mới và hạ thủy tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ. Để giúp nhau khai thác an toàn trên biển, quận Sơn Trà thành lập thêm 6 tổ khai thác hải sản, nâng tổng số tổ khai thác hải sản lên 67 tổ với 397 phương tiện tham gia, trong đó có 41 tổ khai thác xa bờ với 203 phương tiện có công suất 90CV trở lên...

“Phấn đấu đến năm 2020, quận ưu tiên phát triển tàu trên 90CV đánh bắt xa bờ; đẩy nhanh tốc độ phát triển nghề khơi, tàu khai thác vùng khơi (loại trên 90CV), số tàu xa bờ chiếm trên 30% tổng số lượng tàu thuyền của quận”, bà Trần Thị Thanh Tâm khẳng định.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

.