Kinh tế
Tìm hướng đi cho nông sản sạch
Khuyến khích, mở rộng diện tích trồng các loại rau sạch; đồng thời bảo đảm nguồn tiêu thụ ổn định, bền vững, đến tận tay người tiêu dùng là những vấn đề Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đặt ra tại cuộc họp với các sở, ngành liên quan vào chiều 19-5.
Việc sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch tại Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: Phan Chung |
Manh mún, nhỏ lẻ
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến thời điểm này, tổng diện tích đất trồng rau sạch đã được thành phố phê duyệt là 84,6 ha, tập trung tại các địa phương Hòa Vang, Cẩm Lệ.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 40 ha được canh tác với 210 hộ dân, trong đó chỉ có 13 ha là vùng rau được công nhận tiêu chuẩn VietGap. Diện tích này chỉ cung cấp được khoảng 2.900 tấn nông sản, một sản lượng quá ít so với nhu cầu tiêu thụ lên đến 64.000-65.000 tấn nông sản mỗi năm của thành phố.
“Nhìn chung, chủng loại nông sản sạch hiện nay vẫn quá ít, năng suất chỉ đạt từ 1-2 tấn/ha. Điều thiệt thòi của người nông dân đó là chỉ có khoảng 10% sản lượng nông sản sạch được các trường học, cơ quan tìm đến tiêu thụ, số còn lại họ phải tự tìm chỗ thu mua”, ông Tám cho biết.
Đây cũng là thực tế được nhiều hợp tác xã sản xuất rau sạch chia sẻ. “Đầu vào” của sản xuất nông sản sạch luôn đòi hỏi sự tuân thủ ngặt nghèo về các tiêu chuẩn kỹ thuật và độ an toàn; nhưng ngược lại, với “đầu ra” thì người nông dân phải “tự bơi”.
Việc tiêu thụ gặp khó, trong khi quy mô sản xuất lại manh mún, nhỏ lẻ nên nhìn chung, các vùng rau an toàn vẫn loay hoay trong vòng luẩn quẩn giữa sản xuất-tiêu thụ. Theo ông Trần Văn Hoàng, Chủ nhiệm HTX rau an toàn La Hường (quận Cẩm Lệ), mang tiếng là vùng rau an toàn nhưng việc sản xuất hiện vẫn phụ thuộc vào…cảm hứng của nông dân.
Vùng rau La Hường theo quy hoạch rộng đến 7,5 ha, song thực tế đến nay chỉ có 5 ha canh tác được. “Người nông dân chủ yếu đã lớn tuổi, họ trồng theo ý thích và mang tâm lý sợ thua lỗ. Nếu có một vài doanh nghiệp đứng ra cam kết thu mua toàn bộ nông sản, kết hợp với việc Nhà nước thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa để khắc phục tình trạng đất canh tác bị chia nhỏ nhiều nơi thì tôi tin quy mô, năng suất vùng rau La Hường sẽ được cải thiện”, ông Hoàng nói.
Giải bài toán kẻ thừa, người thiếu rau sạch
Tham gia ý kiến tại buổi họp, Tiến sĩ Lê Thị Minh Hằng, giảng viên Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, rau sạch Đà Nẵng hiện đang gặp vấn đề về công tác tiêu thụ, phân phối. “Trong khi người tiêu dùng rất thiếu các loại nông sản sạch, an toàn, thì ngược lại, người nông dân lại có thừa sản phẩm này nhưng đành mang bán ở chợ với giá rẻ, thiệt thòi nhiều thứ. Tại sao chúng ta không ngồi lại, tìm cách kết nối người nông dân với người tiêu dùng, về lâu dài tiến tới xây dựng, phát triển thương hiệu rau sạch của địa phương?”, tiến sĩ Hằng đặt vấn đề.
Trong khi đó, theo ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, việc đẩy mạnh phát triển các vùng rau an toàn nên có sự hợp tác, vào cuộc của các doanh nghiệp. Song song với hợp tác, đầu tư, thành phố nên có những chính sách ưu tiên về nguồn vốn, thuế, phát triển cơ sở hạ tầng. “Để nông sản thực sự sạch theo đúng tiêu chuẩn công bố, các vùng rau nên có người kiểm soát chuyên môn, hướng dẫn, kiểm tra một cách chi tiết, thường xuyên. Bên cạnh đó, cần sớm gắn nhãn, thương hiệu nhận diện cho mỗi sản phẩm đã đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn”, ông Dũng cho biết thêm.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng, thực trạng sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố đặt ra cho địa phương, các ngành nhiều vấn đề cần giải quyết. “Các vùng rau an toàn hiện chưa quá 50% so với diện tích đã quy hoạch, sản lượng chỉ đạt 5-7% so với nhu cầu của thành phố là quá ít”, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.
Để làm được điều này, ông Đặng Việt Dũng đề nghị ngành Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ các đơn vị, địa phương liên quan sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng trồng rau an toàn; tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đầu tư; hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật; đồng thời tăng cường quản lý việc canh tác tại các vùng rau, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Bằng mọi cách phải đưa vùng rau an toàn thành vùng sản xuất tập trung “Cần phải làm mọi cách, huy động mọi nguồn lực để biến các vùng rau an toàn thành vùng sản xuất tập trung, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân; đồng thời giải quyết được bài toán an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong thời gian sớm nhất phải hoàn thiện, mở rộng các vùng rau an toàn; giao ngành Nông nghiệp sớm công bố cho được số lượng, địa chỉ các cửa hàng bán rau an toàn trên thành phố, đưa nông sản sạch đến tận tay người tiêu dùng”, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng yêu cầu. |
Bài và ảnh: PHAN CHUNG