Kinh tế

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao

08:11, 08/06/2016 (GMT+7)

Sau thời gian triển khai giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay Khu công nghệ cao (KCNC) Đà Nẵng thu hút được 3 dự án; trong đó có 2 dự án triển khai xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động, bao gồm Công ty Tokyo Keiki Precision Technology vốn đầu tư 40 triệu USD; Công ty Niwa Foundry Việt Nam, vốn đầu tư 30 triệu USD; cấp phép đăng ký đầu tư cho dự án Cơ sở nghiên cứu và Phát triển vật liệu mới trong xây dựng, có vốn đầu tư 10 tỷ đồng.  

Nhà máy đầu tiên ở Khu công nghệ cao đi vào hoạt động. Ảnh: Triệu Tùng
Nhà máy đầu tiên ở Khu công nghệ cao đi vào hoạt động. Ảnh: Triệu Tùng

Để tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút các dự án đầu tư vào KCNC Đà Nẵng, bên cạnh các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, thời gian qua, Ban quản lý KCNC Đà Nẵng tập trung lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết KCNC, dự án đầu tư xây dựng KCNC, thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và đã triển khai thi công nhiều hạng mục công trình như san nền giai đoạn 1, hệ thống giao thông- thoát nước trục đường trung tâm, cấp điện, cấp nước và triển khai thi công một số tuyến đường nội bộ trong KCNC…

Đặc biệt, Ban quản lý KCNC đa dạng hóa các công cụ xúc tiến đầu tư như: thường xuyên cập nhật thông tin, đổi mới nội dung một số tài liệu; xây dựng các dự án cơ hội phục vụ cho công tác kêu gọi đầu tư vào KCNC phù hợp với 6 nhóm ngành nghề thu hút đầu tư; tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin, tăng cường liên kết trang tin điện tử và quảng bá với các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan Trung ương, các trường đại học, viện nghiên cứu… Ban quản lý KCNC tham gia các đoàn công tác của lãnh đạo thành phố tổ chức xúc tiến đầu tư tại nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Singapore;  đón tiếp nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đến thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý KCNC đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa, một đầu mối” công khai, minh bạch, triển khai 10 dịch vụ công trực tuyến trong Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý KCNC. Đến nay, việc giải quyết các thủ tục hành chính đã giảm mạnh thời gian so với quy định, tạo bước đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việc xây dựng các công trình thuộc kết cấu hạ tầng… được ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. Mới đây, KCNC cũng đã đưa vào vận hành và sử dụng hệ thống điện công trình Trạm biến áp 110kV sau gần một năm tích cực triển khai xây dựng.

Theo Phó ban Quản lý KCNC Đoàn Ngọc Hùng Anh, thời gian tới, Ban quản lý KCNC sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh thuộc Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Tạo ra văn hóa khởi nghiệp CNC ở Đà Nẵng - Điểm thương mại CNC giữa Việt Nam và Vương quốc Anh” nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp CNC tại Đà Nẵng nói chung và KCNC Đà Nẵng nói riêng; qua đó, tranh thủ quảng bá, giới thiệu KCNC Đà Nẵng đến các nhà khoa học, doanh nghiệp tại Vương quốc Anh; tiếp tục tích cực hỗ trợ nhà đầu tư tìm hiểu thông tin đầu tư, khảo sát môi trường đầu tư tại Đà Nẵng…

Tuy nhiên, hiện nay, Ban quản lý KCNC vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động. Đó là, nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCNC chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến tiến độ triển khai xây dựng một số hạng mục công trình chậm so với kế hoạch và làm ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư. Nguồn kinh phí xúc tiến đầu tư còn hạn chế nên trong các năm qua, các hoạt động xúc tiến đầu tư của Ban quản lý KCNC chưa đa dạng, phạm vi hoạt động còn ở quy mô nhỏ và chủ yếu ở địa phương. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi đầu tư cho KCNC Đà Nẵng chưa đủ sức cạnh tranh với các KCNC và các khu công nghiệp trong nước, các ưu đãi về thuế chưa có sự phân biệt giữa các dự án bình thường và các dự án có quy mô lớn, dự án có công nghệ vượt trội...

Các chính sách ưu đãi đầu tư: Các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; ưu đãi về giá cho thuê đất, tiền sử dụng hạ tầng, tiền xử lý nước thải; thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ đầu tư bao gồm: Cung ứng dịch vụ một cửa; xuất nhập cảnh, cư trú; thu hút nhân lực công nghệ cao; hỗ trợ vay vốn, tài trợ; hỗ trợ thủ tục thành lập doanh nghiệp và phát triển các hoạt động công nghệ cao.

Các lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư: Công nghệ sinh học phục vụ y tế, nông nghiệp, thủy sản; Công nghệ vi điện tử, cơ điện tử và quang điện tử; Tự động hóa và cơ khí chính xác; Công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng mới; Công nghệ thông tin, truyền thông; phần mềm tin học và Công nghệ môi trường, công nghệ phục vụ hóa dầu và một số công nghệ đặc biệt khác.

Thành Lân

.