Kinh tế
Nan giải chống thất thu thuế - Bài cuối: Cần giải pháp căn cơ
Công tác chống trốn thuế dẫn đến thất thu thuế được thành phố Đà Nẵng triển khai mạnh trong 3 năm gần đây. Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đã quyết định chọn Đà Nẵng làm thí điểm công tác chống thất thu thuế. Tuy nhiên, để thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn, vẫn cần những giải pháp căn cơ.
Nhà hàng, khách sạn, vận tải, xây dựng tư nhân… là những lĩnh vực trọng tâm được thành phố chỉ đạo triển khai chống thất thu thuế. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Tập trung vào lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, vận tải tư nhân…
Ông Kiều Thế Phong, Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Đà Nẵng cho biết, công tác chống thất thu thuế luôn được ngành thuế chú trọng triển khai. Nhất là sau khi có chỉ đạo của UBND thành phố tại Thông báo số 89/TB-VP ngày 17-4-2015, toàn ngành đã đồng bộ ra quân, tập trung có trọng tâm ở một số lĩnh vực thất thu nhiều như: nhà hàng, khách sạn, vận tải, xây dựng tư nhân…; qua đó đem lại nguồn thuế truy thu không nhỏ. Ngay trong tháng 1-2016, qua kiểm tra 62 nhà hàng và 23 khách sạn, đã truy thu được 733 triệu đồng, giảm khấu trừ 136 triệu đồng; thuế GTGT phải nộp thêm 166 triệu đồng; yêu cầu tăng khai doanh thu là 3,3 tỷ đồng. Điều chỉnh doanh thu của 62 nhà hàng lên 141 tỷ đồng, bằng 180% so với cùng kỳ năm 2015, số thuế GTGT phải nộp thêm là 3,7 tỷ đồng (bằng 154% so với cùng kỳ năm 2015); điều chỉnh doanh thu kê khai của 23 khách sạn lên 220 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, đến cuối năm 2015, đã kiểm tra 88 đơn vị kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, karaoke; xử lý 78 đơn vị với tổng số truy thu và phạt 5,59 tỷ đồng, giảm lỗ 128,78 tỷ đồng, giảm khấu trừ 271 triệu đồng, số tiền thuế truy thu và phạt đã nộp ngân sách Nhà nước 4,47 tỷ đồng.
Ở lĩnh vực vận tải tư nhân, sau khi hội nghị chống thất thu thuế được tổ chức vào đầu năm 2015, ngay trong quý III năm 2015, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (thuộc Sở Giao thông vận tải thành phố) đã cung cấp danh sách 431 xe đăng kiểm cho Cục Thuế để kiểm tra, đối chiếu (gồm 130 xe tải, 255 xe khách và 46 ô-tô con). Qua đó, số phương tiện đưa vào diện quản lý tăng 15 xe so với số xe đang quản lý tại các Chi cục Thuế (70 xe). Qua kiểm tra 103 đơn vị doanh nghiệp kinh doanh vận tải, đã xử lý 101 đơn vị với tổng số tiền thuế truy thu và phạt 12,034 tỷ đồng, giảm lỗ 20,7 tỷ đồng, giảm khấu trừ 460 triệu đồng, số tiền thuế truy thu và phạt đã nộp ngân sách Nhà nước 6,67 tỷ đồng.
Những kết quả trên cho thấy, công tác chống thất thu thuế nếu được triển khai quyết liệt, đồng bộ với sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều sở, ngành liên quan không chỉ truy thu thuế mà còn có tác dụng nâng cao ý thức khai, nộp thuế đúng quy định pháp luật. Đơn cử, ngay sau khi một loạt vụ việc vi phạm về mua bán bất hợp pháp hóa đơn GTGT bị xử lý công khai, rất nhiều doanh nghiệp đã tự đến cơ quan thuế để điều chỉnh số khai doanh thu, số thuế khấu trừ. Tuy vậy, số thất thu vẫn còn rất lớn và diễn ra ở tất cả các lĩnh vực.
Thu đúng, thu đủ, chứ không tận thu
Để thực hiện tốt công tác chống thất thu thuế, nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa ra những giải pháp căn cơ nhằm đấu tranh với hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Bà Đỗ Thị Thu An, Đội trưởng Đội Tổng hợp nghiệp vụ - Dự toán thuộc Chi cục Thuế quận Hải Châu cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sử dụng hóa đơn GTGT vì phần lớn tình trạng gian lận, chiếm đoạt thuế đều liên quan đến vấn đề này. Là địa phương trọng tâm trong hoạt động chống thất thu thuế, nhất là ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh văn phòng UBND quận Sơn Trà khẳng định, nếu triển khai tốt chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng thất thu. Hiện nay, các ngành chức năng của quận đang tiến hành hướng dẫn cơ sở kinh doanh nhà hàng in mẫu phiếu tính tiền, thực hiện thông báo phát hành mẫu phiếu tính tiền với cơ quan thuế.
Ở một khía cạnh khác, dù nắm được các hành vi cũng như cách thức trốn thuế của doanh nghiệp, người kinh doanh nhưng vì thiếu cơ chế pháp lý nên chưa thể đấu tranh mạnh mẽ với hành vi trốn thuế… Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố đề xuất giải pháp nên có quy định với trường hợp nợ thuế lớn ở mức cụ thể thì bị xử lý hình sự, như vậy mới có khả năng giảm bớt tình hình nợ thuế như hiện nay; cần có những quy định chặt chẽ hơn về in, đặt in hóa đơn đối với các doanh nghiệp; xem xét, nghiên cứu yêu cầu đối với đơn vị kinh doanh lĩnh vực ăn uống sử dụng máy in phiếu tính tiền để sao lưu. Đối với lĩnh vực khách sạn, nên xem xét nghiên cứu áp dụng định mức số chữ điện/phòng (tham khảo nhiều khách sạn nếu sử dụng điều hòa, ti-vi, tủ lạnh, điện thắp sáng trong 1 phòng tính luôn tiền điện thang máy thì 1 phòng/ngày đêm là khoảng 10kWh)….
Phát biểu tại Hội nghị tuyên dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế năm 2015 diễn ra vào ngày 8-7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Miên cho biết, Chính phủ và Bộ Tài chính đã quyết định chọn Đà Nẵng làm thí điểm công tác chống thất thu thuế. Vì vậy, hiệu quả và cách làm của thành phố sẽ có ý nghĩa quan trọng không chỉ với địa phương mà còn làm điểm cho các tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, cần nhìn nhận đúng về bản chất của chống thất thu thuế là thu đúng, thu đủ chứ không tận thu; cố gắng hoàn thành dự toán giao nhưng luôn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Để công tác chống thất thu đạt kết quả, ngoài các giải pháp chuyên môn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên cũng nhấn mạnh, ngành thuế cần không ngừng quản lý, giáo dục đội ngũ cán bộ, nhân viên phải có tâm, có tầm. Nếu doanh nghiệp phát hiện trường hợp cán bộ thuế nào hách dịch, nhũng nhiễu, hãy báo ngay với Cục Thuế để giải quyết, tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.
Dù biết việc chống thất thu thuế rất phức tạp và gian nan, nhiều giải pháp khắc phục đã được ngành thuế và các cơ quan chức năng đặt ra nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, vẫn còn nhiều thách thức. Vì vậy, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các ngành chức năng; đặc biệt, ngành thuế cần thể hiện vai trò chủ đạo để giảm thiểu việc thất thu thuế trong thời gian tới.
KHÁNH HÒA