Kinh tế
Nhiều thủ đoạn tinh vi trốn thuế
Tình trạng trốn thuế, lách thuế đang diễn ra ở nhiều ngành, lĩnh vực gây thất thu đối với ngân sách Nhà nước. Song, trong khi tình trạng thất thu diễn ra tràn lan, công tác chống thất thu thuế vẫn còn nhiều hạn chế...
Tạo môi trường hoạt động lành mạnh cho doanh nghiệp nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế, gây thất thu ngân sách (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: KHÁNH HÒA |
Kê khai giảm doanh thu, thành lập nhiều doanh nghiệp, tự in, bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) bất hợp pháp để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng tiền thuế hay nợ chây ỳ rồi bỏ trốn…, đó là những hành vi trốn thuế đang diễn ra, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, chính thói quen không lấy hóa đơn khi mua hàng hóa của người dân đã vô tình tiếp tay cho hành vi trốn thuế của doanh nghiệp, người kinh doanh.
Mua bán hóa đơn GTGT bất hợp pháp
Tháng 3-2015, Phòng Cảnh sát Kinh tế thuộc Công an thành phố khởi tố vụ án bà Đỗ Thị Hoa thành lập 3 doanh nghiệp, gồm Công ty CP Toàn Vinh Hoa (quận Hải Châu), Công ty TNHH Davic (quận Sơn Trà) và Công ty TNHH MTV Vững Chắc (quận Ngũ Hành Sơn) rồi tiến hành in và bán 7.000 hóa đơn GTGT bất hợp pháp với doanh số xuất khống hóa đơn là 200 tỷ đồng, thu lợi bất chính 10 tỷ đồng, gây thất thu 30 tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.
Vụ án vừa được xét xử vào tháng 4-2016 với 6 bị cáo. 67 đơn vị liên đới hoạt động phi pháp của công ty này cũng nằm trong phạm vi điều tra, xử lý.
Tiếp đó, vào đầu năm 2016, cơ quan điều tra phá đường dây tự in và buôn bán 4.000 hóa đơn GTGT bất hợp pháp do bà Trần Thị Anh cầm đầu, với doanh số xuất khống hóa đơn 150 tỷ đồng, gây thất thu trên 20 tỷ đồng tiền thuế. 7 bị can bị khởi tố, trong đó bắt tạm giam hai đối tượng. Để thực hiện hành vi phi pháp trên, bà Trần Thị Anh lập một lúc nhiều doanh nghiệp rồi đưa cho chồng, con và người giúp việc trong gia đình đứng tên.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Chi cục Thuế quận Hải Châu ban hành quyết định xử phạt 19 doanh nghiệp về hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp với số thuế truy thu, tiền phạt gần 1,5 tỷ đồng, đã nộp ngân sách Nhà nước 971,2 triệu đồng. Đồng thời, thông báo yêu cầu giải trình đối với 54 doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp liên quan đến 5 công ty đóng trên địa bàn các quận Sơn Trà và Thanh Khê. Ông Nguyễn Khả Đường, Đội phó Đội kiểm tra 1, Chi cục Thuế quận Hải Châu cho biết, không chỉ mua, bán hóa đơn GTGT bất hợp pháp của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, nhiều đơn vị còn cấu kết với các doanh nghiệp khác trên phạm vi cả nước, khiến công tác điều tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi số thuế bị thất thoát lên tới hàng chục tỷ đồng thì số thuế truy thu chưa tương xứng.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Sơn, Phó phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Đà Nẵng nhận định: Hành vi trốn, chiếm đoạt tiền thuế diễn ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng với những thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt, tội phạm buôn bán hóa đơn GTGT bất hợp pháp có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Hai năm gần đây, đơn vị đã khởi tố gần chục vụ việc liên quan đến hóa đơn GTGT gây thất thu hàng chục tỷ đồng ngân sách Nhà nước. Điều này cũng xuất phát từ nhu cầu người mua cần mua hóa đơn bất hợp pháp để tăng số thuế khấu trừ nhằm giảm số thuế phải nộp, hay khi mua những hàng hóa trôi nổi trên thị trường nhưng không có hóa đơn. Vì vậy, họ cần mua hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là Luật Thuế còn có những khe hở. Bên cạnh đó, tâm lý muốn trốn thuế của người kinh doanh cũng chính là yếu tố tiếp tay cho hành vi gian lận thuế vì “có cầu ắt có cung”.
Nợ thuế rồi “cao chạy xa bay”
Bên cạnh việc lợi dụng những sơ hở trong sử dụng hóa đơn, doanh nghiệp còn trốn thuế bằng cách tự ý bỏ kinh doanh mang theo khoản nợ thuế. Hiện nay, theo quy định, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước chỉ dựa trên cơ sở doanh nghiệp tự kê khai thuế, nộp thuế là chủ yếu, sau đó ngành thuế mới thực hiện chức năng hậu kiểm. Nhưng thực tế, ngành thuế không thể nào thực hiện hậu kiểm hết số doanh nghiệp trên địa bàn. Đến khi phát hiện có sai phạm thì nhiều doanh nghiệp đã “cao chạy xa bay”. Theo số liệu từ Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố Đà Nẵng, đến cuối năm 2015, một số lĩnh vực kinh doanh có số nợ chiếm tỷ trọng cao trên tổng nợ thuế nhưng gặp khó khăn trong thu nợ như xây dựng cơ bản (nợ 310,9 tỷ đồng, chiếm 17,3% trên tổng nợ), kinh doanh bất động sản (nợ 529,5 tỷ đồng, chiếm 29,5% trên tổng nợ).
Chi cục Thuế quận Hải Châu cho biết, trong năm 2015, toàn quận có 73 đơn vị bỏ kinh doanh, đến quý II-2016 có thêm 38 đơn vị. Hiện số nợ thuế tính đến ngày 30-6 của toàn quận là 213 tỷ đồng, trong đó có 98 tỷ đồng (chiếm 46%) thuộc diện nợ khó đòi. Có những đơn vị nợ thuế lớn như Công ty CP Kỹ thuật công nghiệp Việt Trung Thắng nợ 917 triệu đồng, Công ty CP Thương mại, dịch vụ và đầu tư Lộc Phước nợ 977 triệu đồng… Thống kê từ Chi cục Thuế quận Thanh Khê cho thấy, tổng nợ thuế toàn quận hiện là 121,809 tỷ đồng. Năm 2015 có 218 đơn vị nợ thuế bỏ kinh doanh mang theo số nợ thuế hơn 7 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2016 có 157 đơn vị bỏ kinh doanh với tổng số nợ là 5,198 tỷ đồng. Những đơn vị bỏ kinh doanh có số nợ lớn như: Công ty Kinh doanh quản lý bất động sản Trung Kỳ (nợ gần 1,7 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Nguyễn Vĩnh (nợ 840 triệu đồng)… Cá biệt, tại Chi cục Thuế quận Liên Chiểu, từng có những doanh nghiệp nợ thuế lên tới 5-7 tỷ đồng rồi bỏ trốn, gây khó khăn trong công tác thu nợ cũng như đạt dự toán thu ngân sách mà thành phố giao. Ông Nguyễn Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Thanh Khê khẳng định: “Phần lớn nợ khó thu đều không thu được vì đơn vị, doanh nghiệp đã bỏ trốn. Đây cũng là khoản thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước”.
Nợ thuế gây ra khoản thất thu lớn cho ngân sách trong khi công tác đôn đốc thu nợ thuế gặp nhiều khó khăn do cơ chế chính sách, pháp luật chưa rõ ràng.
KHÁNH HÒA