Kinh tế
Thu hút FDI: Khó đạt mục tiêu
Còn đúng 6 tháng nữa là kết thúc năm, vì thế mục tiêu thu hút 350 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2016 của Đà Nẵng có vẻ khó thực thi, khi đến hết tháng 5-2016, tổng vốn FDI chỉ mới đạt ở con số 9,223 triệu USD.
Hoạt động sản xuất ở Nhà máy Lắp ráp ô-tô TCIE Việt Nam.Ảnh: Phương Uyên |
Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho thấy, tháng 5-2016 có 7 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đầu tư cấp mới là 6,459 triệu USD; lũy kế từ đầu năm đến nay có 22 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 9,223 triệu USD; giảm 6 dự án, vốn giảm 2,051 triệu USD so với cùng kỳ 2015... Như vậy, dòng FDI chảy vào Đà Nẵng có xu hướng chậm lại so với thời gian trước. Điều này cho thấy, mặc dù UBND thành phố đã giao cho các ngành chức năng tập trung công tác thu hút vốn đầu tư và có những chính sách cải thiện môi trường đầu tư, nhưng tình hình thu hút FDI trên địa bàn thành phố đang có những khó khăn nhất định; nếu không nỗ lực tăng tốc trong khoảng thời gian còn lại thì mục tiêu 350 triệu USD là không thể.
Lý giải về vấn đề này, đại diện Câu lạc bộ FDI thành phố cho rằng, việc thiếu vắng các dự án lớn đã khiến cho tổng lượng vốn đăng ký giảm mạnh. Ngành công nghiệp phụ trợ chưa cung ứng đầy đủ nguyên liệu và linh kiện từ các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ mà các doanh nghiệp FDI cần. Đà Nẵng vẫn trải thảm đỏ kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư nhưng cũng sẵn sàng từ chối những dự án có nguy cơ gây hại đến môi trường. Cụ thể như thời gian qua, dù có một số nhà đầu tư trong lĩnh vực da giày, dệt nhuộm... đến Đà Nẵng khảo sát và dự định đầu tư với các dự án quy mô lớn lên đến hàng trăm triệu USD nhằm đón đầu cơ hội khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nhưng do các dự án này có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nên Đà Nẵng không níu giữ nhà đầu tư.
Theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố, để thúc đẩy thu hút đầu tư FDI vào thành phố Đà Nẵng, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, quản lý sau đầu tư đối với các doanh nghiệp FDI; triển khai các hội thảo về xúc tiến đầu tư tại Đà Nẵng; hoàn thiện Đề án thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, chủ động xúc tiến đầu tư từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU, các nước thuộc tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây EWEC... Ngoài ra, tranh thủ ảnh hưởng tích cực của APEC 2017 để thu hút và huy động các nguồn vốn FDI, ODA và NGO.
Tuy nhiên, theo khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế, ngoài việc trực tiếp gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài, Việt kiều… để giới thiệu những chủ trương, chính sách đầu tư của thành phố nhằm kêu gọi các nhà đầu tư vào một số lĩnh vực đã định hướng, chính quyền thành phố cần đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, cải cách thủ tục thuế, thủ tục hải quan…, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý 1-2016, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 42 tỉnh, thành phố, Đà Nẵng xếp cuối danh sách 42 địa phương. |
Phương Uyên