Kinh tế
Doanh nghiệp nhập khẩu ôtô trước nỗi lo phải "rời sân chơi"
Mặc dù đồng ý bỏ Thông tư 20/2011/TT-BCT (Thông tư 20), nhưng dường như Bộ Công Thương đang cố níu kéo khi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ này ban hành sớm các quy định có tác dụng tương đương Thông tư 20.
(Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN) |
Chính những kiến nghị này khiến nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lo ngại về việc thị trường xe nhập tiếp tục bị đóng cửa và hàng nghìn garage ôtô tư nhân cũng trong tình cảnh tương tự.
Theo kiến nghị của Bộ Công Thương, các quy định ban hành cần có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.
Đồng thời, chỉ bãi bỏ Thông tư 20 khi các quy định do Bộ Giao thông Vận tải ban hành chính thức có hiệu lực.
Liên quan đến kiến nghị trên, Bộ Giao thông Vận tải cho biết Bộ chưa nhận được văn bản nào từ Bộ Công Thương, nếu có Bộ sẽ có ý kiến chính thức.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có Quyết định 2257/QĐ-BGTVT công bố hết hiệu lực đối với Thông tư 19/2012/TT-BGTVT quy định về bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu xe ôtô từ ngày 1/7/2016 để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp theo Luật Đầu tư 2014.
Ở một diễn biến khác, Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa gửi đến các bộ ngành dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu; trong đó, có quy định hồ sơ làm thủ tục kiểm tra xe phải có “Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu” hoặc "Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng."
Liên quan đến quy định trên, nhiều đơn vị nhập khẩu xe cho biết đây là điều kiện rất khó đối với doanh nghiệp nhập xe không phải là nhà phân phối của hãng.
Thậm chí, điều kiện này không khác gì mấy so với điều kiện có “Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó ” và “ Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp” như Thông 20.
Điều này chỉ có những "ông lớn" mới thực hiện được bởi họ luôn có sự ưu đãi từ công ty mẹ. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp tư nhân nhập xe về chủ yếu là đặt xe qua đại lý.
Do đó, rất có thể dự thảo thông tư của Bộ Giao thông Vận tải được ban hành sẽ khiến các doanh nghiệp nhập xe không phải từ nhà phân phối của hãng tiếp tục gặp khó.
Nhiều ý kiến cho rằng theo kiến nghị của Bộ Công Thương, tất cả xe ôtô phải được đảm bảo bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép sẽ ép hàng trăm, hàng nghìn gara ôtô tư nhân phải đóng cửa.
Điều này có thể tiếp tục tái diễn như khi Bộ Công Thương ban hành Thông tư 20 vào năm 2011 yêu cầu “thương nhân phải có được Giấy ủy quyền để tham gia nhập khẩu ôtô” khiến hàng trăm nhà nhập khẩu xe tư nhân đã bị loại khỏi cuộc chơi, còn lại là các liên doanh sản xuất lắp ráp xe và một số ít doanh nghiệp trong nước.
Việc doanh nghiệp phải rời sân chơi cũng được Bộ Công Thương thừa nhận, sau khi ban hành Thông tư 20 số doanh nghiệp tham gia nhập khẩu ôtô đã giảm mạnh, từ 539 về còn 58 doanh nghiệp.
Cũng từ khi có Thông tư 20 đến nay, thị phần xe nhập khẩu chủ yếu vẫn thuộc về tay một số "ông lớn" là liên doanh sản xuất lắp ráp xe trong nước thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và số ít doanh nghiệp nhập khẩu phân phối chính hãng.
Các doanh nghiệp được nhập khẩu lại chủ yếu là liên doanh nên luôn có được ủy quyền từ hãng mẹ.
Họ gần như một mình một chợ, tự quyết định giá bán, đẩy giá cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng thay vì sản xuất và tăng tỷ lệ nội địa hóa theo cam kết với Chính phủ. Điều này đã và đang diễn ra, đặc biệt là trong một vài năm gần đây.
Để bảo vệ quan điểm của mình, Bộ Công Thương cũng khẳng định Thông tư 20 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh nên không phải tự động bãi bỏ theo quy định của Luật Đầu tư 2014.
Thông tư này được ban hành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.
Qua 5 năm thực hiện Thông tư đã chứng minh được tác dụng như triệt tiêu hoàn toàn tình trạng vô trách nhiệm với người tiêu dùng và với xã hội của một số nhà nhập khẩu, phân phối ôtô.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đông Phong, Phó trưởng phòng chất lượng xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam, và nhiều ý kiến khác cho rằng không cần bình luận đó là điều kiện kinh doanh hay thủ tục hành chính vì bản chất nó vẫn là điều kiện. Thế nhưng, giao cuộc chơi rất lớn cho doanh nghiệp nước ngoài là điều không nên bởi vì cái lợi của họ, mà cái lợi đó có thể không đồng nhất với lợi ích quốc gia.
Không những thế Bộ Công Thương còn cho rằng Thông tư 20 được cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước ủng hộ.
Thế nhưng, quan điểm ủng hộ Thông tư 20 chỉ là các liên doanh sản xuất lắp ráp xe trong nước và một số ít doanh nhiệp nhập khẩu xe chính hãng tại Việt Nam, số còn lại là hàng trăm doanh nghiệp nhập khẩu ôtô tư nhân không đồng tình.
Điển hình là vào cuối tháng Bảy, trong lúc Bộ Công Thương họp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), VAMA, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và số ít doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối ôtô về Thông tư này thì ngoài cổng Bộ không ít doanh nghiệp nhập khẩu ôtô tư nhân không được tham dự đã căng băng rôn “Vì lợi ích của người tiêu dùng, ủng hộ Thủ tướng Chính phủ bỏ thông tư 20. Tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh.”
Ngoài việc có văn bản kêu cứu các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ họ còn căng băng rôn để bày tỏ quan điểm của mình trong việc giành lại sự bình đẳng trên thị trường nhập khẩu xe ôtô.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng nêu quan điểm không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề "Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô" khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.
Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Bộ này đã chính thức kiến nghị loại bỏ ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Cùng chung quan điểm trên, ông Đoàn Hiếu Trung, Giám đốc điều hành Tập đoàn Regal Motor Cars, chuyên nhập khẩu và phân phối Rolls-Royce và nhiều doanh nghiệp khác cho rằng, doanh nghiệp nhập khẩu ôtô đều có mối liên hệ với nhà sản xuất để đảm bảo dịch vụ bảo hành bảo dưỡng xe nếu hỏng hóc.
Hơn nữa, người tiêu dùng có quyền tự lựa chọn mua xe chính hãng hay xe rẻ hơn theo khả năng tài chính và họ sẽ biết tìm hiểu chế độ bảo hành của hãng ra sao, khi xe hỏng thì mang đi sửa ở đâu tốt và thuận tiện cho mình nhất.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico, cho biết Thông tư 20 đã hết hiệu lực, cơ quan quản lý cần nghiêm túc công bố theo đúng nguyên tắc, không xảy ra việc người dân và doanh nghiệp cũng như hải quan phải chờ đợi hướng dẫn như hiện nay.
Điều này không chỉ là thiếu trách nhiệm đối với xã hội, đối với doanh nghiệp mà còn đẩy trách nhiệm sang bộ khác và ràng buộc thêm điều kiện chỉ chấp nhận bãi bỏ khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành các quy định có tác dụng tương đương Thông tư 20.
Đáng chú ý, từ 1/7, tất cả các điều kiện kinh doanh được quy định ở thông tư đã hết hiệu lực, gỡ bỏ rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đang nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như quyết liệt xóa bỏ các giấy phép con thì việc níu kéo Thông tư 20 của Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm khó doanh nghiệp./.
Vietnam+