Kinh tế

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc

Mức độ cam kết cao và cân bằng lợi ích

08:41, 17/08/2016 (GMT+7)

Ngày 5-5-2015, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) chính thức được ký kết. Đây là kết quả của hơn 2 năm đàm phán với 8 vòng đàm phán chính thức và 8 vòng đàm phán cấp Trưởng đoàn, đàm phán giữa kỳ, hai bên đã thống nhất toàn bộ nội dung VKFTA mang tính toàn diện, mức độ cam kết cao và bảo đảm cân bằng lợi ích.

Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đầu tư hàng vạn cọc sợi nhằm chủ động sản xuất trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đầu tư hàng vạn cọc sợi nhằm chủ động sản xuất trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Bài 1: Cơ hội và thách thức của VKFTA

Với nội dung đã được thỏa thuận, dự kiến VKFTA sẽ mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với kinh tế Việt Nam, giúp hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc. Môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng sẽ góp phần khuyến khích đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, kèm theo công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến và cơ hội tiếp cận các thị trường thứ ba. Hiệp định sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam, nâng cao thu nhập, nhất là của nhóm lao động phổ thông, lao động không có tay nghề cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.

Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực xây dựng, thực thi chính sách, nâng cao sức cạnh tranh trong những lĩnh vực Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác như nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, công nghiệp điện tử, lọc hóa dầu, công nghiệp hỗ trợ… Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt may, sản phẩm cơ khí…

Về tổng thể, VKFTA sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế với Hàn Quốc - nền kinh tế đã có những bước phát triển ngoạn mục trong những thập niên vừa qua và hiện đã vươn lên trở thành nền kinh tế thứ 15 trên thế giới, thứ 3 châu Á. Đối với Hàn Quốc, VKFTA là cơ hội để các doanh nghiệp Hàn Quốc tranh thủ những cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam - thị trường đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân.

Tuy nhiên, khi thực thi VKFTA, Việt Nam gặp phải những thách thức cơ bản sau.

So với cam kết và chuẩn mực quốc tế thì thể chế, pháp luật của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp Nhà nước diễn ra chậm… Những vấn đề đó đã gây khó khăn trong nền kinh tế thị trường, khiến các nhà đầu tư khó dự đoán được các biến động, thay đổi. Hệ thống pháp luật, chính sách của Việt Nam đã được rà soát, xây dựng mới và từng bước được hoàn thiện nhưng nhìn chung vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ, nhất quán và ổn định…

Đây chính là một trong những nguyên nhân gây bất lợi cho Việt Nam khi va chạm và giải quyết các vụ tranh chấp ở phạm vi quốc tế. Nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế, về sự tham gia các tổ chức kinh tế thương mại khu vực và toàn cầu, các FTA… còn nhiều bất cập. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, doanh nghiệp và người dân thờ ơ, thiếu chủ động trong đổi mới tư duy và hội nhập kinh tế quốc tế.

Chưa xây dựng được ngành kinh tế mũi nhọn, ngành công nghiệp phụ trợ để tận dụng các cơ hội của hội nhập, trong đó có các FTA đã, đang và sẽ thực thi, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bài và ảnh: Thanh Gián

.