Kinh tế

Ngành du lịch: Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao

08:15, 04/08/2016 (GMT+7)

Nguồn nhân lực du lịch ở Đà Nẵng hiện khá dồi dào nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đặc biệt, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn ít.

Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là điều cần thiết để có đội ngũ lao động chất lượng cao bền vững. Ảnh: THU HÀ
Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là điều cần thiết để có đội ngũ lao động chất lượng cao bền vững. Ảnh: THU HÀ

Thiếu các vị trí then chốt

Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, nguồn nhân lực của ngành du lịch hiện ước tính khoảng 23.000 người; trong đó, nguồn nhân lực khối khách sạn và hướng dẫn viên du lịch tăng khá cao. Thế nhưng, vẫn thiếu nhân lực cho những vị trí then chốt.

Thống kê tại các doanh nghiệp (chủ yếu là các khu nghỉ dưỡng và khách sạn) trên địa bàn Đà Nẵng cho biết, số lượng nhân lực ở các vị trí then chốt như: quản lý cấp cao, trưởng các bộ phận đang thiếu trầm trọng. Cứ mỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng, số lượng này chỉ chiếm khoảng 10% tổng số nhân lực. Trong khi đó, các trường hầu như không có định hướng đào tạo nhân lực chất lượng cao. Một số nhà tuyển dụng bày tỏ, các trường đại học đào tạo ngành du lịch, sinh viên ra trường có kiến thức nhưng lại thiếu kỹ năng nghề, không đủ kinh nghiệm để quản lý; các trường nghề đào tạo đủ kỹ năng nhưng kiến thức lại hạn chế hoặc yếu về ngoại ngữ…

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền, Giám đốc nhân sự của Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort cho rằng, nhân sự chất lượng cao trong ngành du lịch đang bị “ảo” vì những khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao ở Đà Nẵng còn quá mới mẻ, trong khi trước đó chưa có đội ngũ lao động này. Nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch phải là những người có kiến thức, kinh nghiệm làm việc ở những nhà hàng cao cấp, tầm cỡ quốc tế. Trong quá trình tuyển dụng, hầu như không tìm được nhân lực chất lượng cao ở Đà Nẵng nên đa số được mời ở nước ngoài về hoặc từ các khách sạn lớn ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh. Chính sự thiếu hụt trầm trọng dẫn đến tình trạng cạnh tranh, “lấy người” của nhau và bản thân lao động cũng tự “tăng giá” của mình nhưng chất lượng không bảo đảm.

Thạc sĩ Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt - Úc phân tích, tốc độ phát triển của các dự án đầu tư quá nhanh dẫn đến thiếu hụt trầm trọng nhân lực trong ngành du lịch. Vì vậy, doanh nghiệp phải tuyển dụng các lao động “tay ngang” để đáp ứng trong giai đoạn trước mắt.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng cũng thừa nhận, Đà Nẵng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong nhóm dịch vụ phục vụ du khách (khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi...).

Đào tạo kỹ năng hơn lý thuyết

Do thiếu hụt nguồn lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao nên xảy ra tình trạng lao động nhảy việc. Nguyên nhân không chỉ vì thu nhập mà còn nhiều lý do như: môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ…

Để khắc phục tình trạng này, một số trường đại học, cao đẳng, trường nghề đã tính đến việc liên kết với các doanh nghiệp. Thạc sĩ Đặng Phúc Sinh nhấn mạnh, nên tập trung đào tạo theo mô hình thực nghiệm, thiên về đào tạo kỹ năng hơn là lý thuyết. Doanh nghiệp phải là một phần của quá trình đào tạo, phải tranh thủ mối quan hệ liên kết và đưa các cơ sở thực tế của các doanh nghiệp thành nơi đào tạo kỹ năng, thực hành cho học viên.

Để tránh tình trạng đào tạo tràn lan, không phù hợp với nhu cầu thực tế, đại diện một khu nghỉ dưỡng cho rằng, các trường nên khảo sát nhu cầu thực tế thị trường đang cần lao động gì, từ đó liên kết với các khách sạn, khu nghỉ dưỡng để ký kết thỏa thuận về việc làm sau tốt nghiệp, kết hợp với doanh nghiệp trong việc tuyển dụng, tuyển chọn nhân lực…

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền, nghề du lịch rất kén người. Vì vậy, các cơ sở đào tạo nghề nên tư vấn nghề cho các học viên trước khi học nghề; nên đưa ngoại ngữ vào giảng dạy hoặc mời những giảng viên từ những nước nói tiếng Anh, những quốc gia phát triển về du lịch về giảng dạy để các em tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp, thực tế; liên kết với một số cơ sở ở nước ngoài để trao đổi, gửi sinh viên đi thực tập dài ngày. Nếu được thì nên cắt giảm phần giảng dạy lý thuyết đến tối thiểu và tăng thực hành đến tối đa.

Bà Hiền dẫn chứng Intercontinental đang làm việc với 4 trường ở Thụy Sĩ, Đan Mạch, Tây Ban Nha và Hàn Quốc. Tại các trường này, sinh viên chỉ học trong trường 3 tháng, còn lại đi thực hành tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng từng đợt 6 tháng rồi viết báo cáo cho đến khi ra trường. Trong quá trình thực hành tại cơ sở, học viên được học từ thực tế, tiếp xúc với khách và cọ xát với những tình huống…; khi ra trường, họ đã có đủ kinh nghiệm để đảm nhiệm những vị trí quan trọng như quản lý hay phó quản lý…

Đối với Đà Nẵng, trong dài hạn, thành phố cần có định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và có thể dựa trên nguồn lao động tại chỗ qua các cơ sở đào tạo, các dự án nâng cao từ các tổ chức nước ngoài, liên kết, thực tập ở nước ngoài… Có như vậy Đà Nẵng mới tăng được năng lực cạnh tranh và hướng đến phát triển bền vững ngành du lịch.

THU HÀ

.