Kinh tế
Ứng dụng công nghệ mới vào nông nghiệp: Cần liên kết "4 nhà"
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất đang trở thành xu hướng chủ đạo của ngành nông nghiệp huyện Hòa Vang. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có chất lượng cao đã bắt đầu ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, cải thiện đời sống cho nông dân. Tuy nhiên, mô hình nông nghiệp công nghệ mới ở huyện Hòa Vang còn mang tính chất nhỏ lẻ và manh mún, ít thu hút được doanh nghiệp (DN) tham gia.
Ứng dụng công nghệ sinh học trong ươm tạo và nhân giống cây lan hồ điệp tại Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng. |
Những mô hình mới
Có mặt tại Vườn khảo nghiệm ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất rau an toàn ở xã Hòa Phong, chúng tôi ấn tượng bởi những luống rau xanh mơn mởn, lá mọc đều các nhánh bất chấp thời tiết nắng nóng. Các cán bộ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hòa Vang cho hay, vườn rau này mới đưa vào khảo nghiệm những giống cây trồng mới có chất lượng và chịu nhiệt tốt như ngô bào tử, cải bó xôi… nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Đây được xem là mô hình sản xuất rau sạch trong nhà vòm với công nghệ tưới nước tự động giúp cây rau phát triển tốt, tránh được tác động xấu của thời tiết.
Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm Đà Nẵng cũng đã đưa mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để sản xuất rau ăn quả tại vùng rau thôn Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương). Các hộ nông dân ở vườn rau Phú Sơn Nam cho biết, với 1ha sản xuất rau ăn quả nếu theo cách truyền thống như trước đây thì tốn khoảng 150 công/vụ để tưới nước và bón phân.
Tuy nhiên, nếu áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã giải phóng được sức lao động. “Nếu sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn rau của mình thì chỉ trong vòng 2-3 năm người nông dân có thể lấy được vốn từ công bón phân, tưới nước. Nhất là trong điều kiện thời tiết bất lợi sẽ giúp tiết kiệm được nước tưới, công sức cũng như tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân”, bà Ngô Thị Thu Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm Đà Nẵng cho biết.
Theo ngành nông nghiệp huyện Hòa Vang, việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đang chuyển hướng mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu thị trường đô thị. Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ mới trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản như mô hình hoa lan cắt cành tại vùng hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu) và vùng hoa Nhơn Thọ (xã Hòa Phước), mô hình sản xuất rau ăn quả tại vùng rau Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương), mô hình nuôi tôm thẻ trắng tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên) đã góp phần bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo tiền đề cho việc phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn. “Thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và người sản xuất tiếp cận, nắm bắt được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn theo hướng hàng hóa, hiện đại”, ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng phân tích. Theo ông Sơn, trong những năm qua, công tác tập huấn kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho các hộ dân luôn được quan tâm và triển khai thực hiện như tập huấn kỹ thuật trồng hoa cây cảnh, quy trình sản xuất rau an toàn, kỹ thuật nuôi trồng nấm…
Liên kết “4 nhà”
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho biết, việc thay đổi phương thức sản xuất cũng như nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới còn nhiều hạn chế. “Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro, trong khi giá thành sản phẩm nông nghiệp công nghệ mới thường cao hơn so với sản phẩm nông nghiệp thông thường nhưng giá bán lại không cao, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định.
Vì vậy, doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà trong việc đầu tư nên việc nhân rộng các mô hình gặp nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho biết. Hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang còn hạn chế và chưa nhiều. Chỉ có một vài doanh nghiệp như Công ty Việt Thiên Ngân đầu tư sản xuất rau ở vùng Giáng Nam 1 (xã Hòa Phước), Công ty Phân bón Quế Lâm đầu tư sản xuất lúa hữu cơ ở An Trạch (xã Hòa Tiến)… nhưng hiệu quả chưa cao và chưa mở rộng được đầu tư.
Nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực mới này, trong thời gian tới, huyện Hòa Vang sẽ xây dựng các cơ sở dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ mới và cơ sở pháp lý để doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn nhận định, để mô hình này đạt hiệu quả thì điều quan trọng là cần có sự gắn kết giữa “4 nhà” gồm nhà khoa học, Nhà nước, doanh nghiệp và nhà nông. “Việc liên kết này sẽ giúp sản phẩm nông nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng lúc cần thì không có, được mùa thì mất giá”, bà Ngô Thị Thu Vân phân tích.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN