Kinh tế

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á Âu

Trang mới trong quan hệ hợp tác

08:20, 20/08/2016 (GMT+7)

Liên minh Kinh tế Á Âu (Liên minh) bao gồm 5 thành viên chính thức là Liên bang Nga, Cộng hòa (CH) Belarus, CH Kazakhstan, CH Armenia và CH Kyrgyzstan. Ngày 29-5-2015, Việt Nam và Liên minh chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu sau 8 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ ở cấp kỹ thuật.

Để chủ động hội nhập kinh tế khu vực, Công ty CP Cơ điện Hòa Cầm đầu tư thiết bị, công nghệ đã sản xuất được hầu hết các loại biến thế trong ngành điện.
Để chủ động hội nhập kinh tế khu vực, Công ty CP Cơ điện Hòa Cầm đầu tư thiết bị, công nghệ đã sản xuất được hầu hết các loại biến thế trong ngành điện.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (Hiệp định) có ý nghĩa chiến lược mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh nói chung và từng thành viên nói riêng. Về tổng thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.

Theo đánh giá bước đầu của Liên minh, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD). Nghiên cứu của Việt Nam trước khi khởi động đàm phán, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh ước tính sẽ tăng khoảng 18-20% hằng năm. Một nội dung quan trọng của Hiệp định là Liên minh sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho hầu hết các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Phía Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải…

Hiệp định có tác động giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó làm gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, góp phần tác động lan tỏa đa chiều trong toàn bộ nền kinh tế, trong đó có việc tăng thu ngân sách Nhà nước từ các sắc thuế nội địa khác, tạo công ăn việc làm cho người lao động và tăng tính chủ động của nền kinh tế.

Trong giai đoạn tới, khi thực hiện Hiệp định, việc phía Liên minh xóa bỏ thuế ngay đối với nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn của Việt Nam sang Liên minh như dệt-may, giày dép, nông sản, thủy sản, hàng điện tử… sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đồng thời góp phần tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Thông qua Hiệp định, Việt Nam cũng có cơ hội đẩy mạnh và mở rộng đầu tư sang các nước Liên minh về công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, khai thác dầu khí… Về phía Liên minh, tham gia Hiệp định là mong muốn mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa và đầu tư vào Việt Nam, một nước có quan hệ hợp tác truyền thống, tin cậy từ lâu đời. Liên minh mong muốn thông qua FTA với Việt Nam để mở rộng thị trường sang các nước khu vực ASEAN nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Mặc dù vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến những thách thức trong quá trình thực thi Hiệp định. Theo cam kết tại Hiệp định này, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường trong nước cho khoảng 90% các sản phẩm đến từ các nước Liên minh Kinh tế Á Âu, đặc biệt là các sản phẩm mà khu vực này có thế mạnh xuất khẩu như chăn nuôi, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải.

Vì vậy, về lý thuyết, việc mở cửa sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh đáng kể cho các ngành sản xuất trong nước. So với nhiều thị trường khác, thị trường Liên minh Kinh tế Á Âu có một số đặc điểm riêng có thể tạo ra những rủi ro nhất định cho thương mại hàng hóa. Cụ thể như yêu cầu về hàng rào kỹ thuật  trong thương mại và các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật không ổn định, thiếu minh bạch, do đó rất khó dự kiến trước. Quy trình, thủ tục nhập khẩu tương đối phức tạp và không rõ ràng, không nhất quán ngay trong bản thân nội khối Liên minh.

Các rào cản khác như giao dịch với các đối tác Liên minh sử dụng chủ yếu là ngôn ngữ tiếng Nga (không sử dụng tiếng Anh thông dụng); cơ chế thanh toán không thuận tiện… Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu chưa xử lý được các rào cản này. Nếu không vượt qua được những rào cản này, các lợi ích của việc loại bỏ thuế quan, mở cửa thị trường mà Hiệp định mang lại sẽ bị vô hiệu hóa. Các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý xử lý các rào cản để tiếp cận thị trường Liên minh Kinh tế Á Âu, tận dụng lợi ích thuế quan to lớn từ Hiệp định này mang lại.

Để thích ứng với yêu cầu của Hiệp định, các doanh nghiệp sớm cải thiện năng lực cạnh tranh, đặc biệt nâng cao chất lượng sản phẩm để tận dụng các cơ hội từ FTA này cũng như các FTA khác đem lại. Theo đó, kiện toàn tổ chức, không ngừng nâng cao trình độ nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ cao; đăng ký thương hiệu, bản quyền và cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; xây dựng chương trình liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau; rèn luyện năng lực dự báo, ứng phó với những rủi ro trong quá trình tự do hóa thương mại.

Bài và ảnh: Thanh Gián

.