Kinh tế
Đổi mới trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả
“Các ngành phải có sự đột phá, sáng tạo trong cách làm” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, Trưởng Ban chỉ đạo 389/TP (BCĐ 389) nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp với các thành viên nhằm đánh giá công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 7 tháng đầu năm và bàn các giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm.
Quản lý thị trường tịch thu hàng trăm chai rượu giả. Ảnh: Duyên Anh |
Ngành nào cũng kêu khó
Theo đánh giá chung của BCĐ 389, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu trên địa bàn thành phố những tháng qua vẫn diễn biến phức tạp, nhất là đối với các mặt hàng, lĩnh vực như thuốc lá, áo quần nhập khẩu, đồ điện tử, gỗ... Trong khi đó các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi mới nhằm gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc xử lý. Thực tế đấu tranh chống các loại tội phạm này luôn gặp nhiều trở ngại, vướng mắc.
Đại tá Võ Văn Lanh, Phó phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố cho biết, thủ đoạn của giới buôn lậu là xé lẻ hàng từ ô-tô, xe máy, xe đông lạnh, xe đặc chủng, thay đổi phương tiện di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác... Trong khi đó, đại diện ngành hải quan cũng nêu thực trạng, các doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục hải quan điện tử để nhập khẩu, xuất khẩu hàng sai số lượng, mặt hàng; xuất khẩu nhiều mặt hàng cấm, không bảo quản nguyên hiện trạng hàng hóa đang chịu sự giám sát của hải quan, tự ý tiêu thụ hàng hóa được phép mang về tự bảo quản khi chưa có kết quả kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng. Trong năm 2016, hải quan thành phố đã phát hiện nhiều thủ đoạn vi phạm mới như gian lận trong khai báo hàng hóa.
Đề cập khó khăn khi kiểm tra rượu giả, lãnh đạo Sở Công thương thành phố bày tỏ việc “lực lượng quản lý thị trường (QLTT) khi đi kiểm tra lại không dám mở ra xem thử đây là có phải là rượu giả hay không, vì nếu đúng là rượu thật thì lấy tiền đâu mà đền?”. Ông Trần Phước Trí, Chi cục trưởng Chi cục QLTT thành phố chỉ ra bất cập, để xác định rượu giả phải lấy mẫu gửi ra Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kiểm định chất lượng; thế nhưng với một mẫu đem đi như vậy tốn mất khoảng 50 triệu đồng, trong khi giá thành một chai rượu ngoại chỉ có 500.000 đồng.
Phải đổi mới, sáng tạo
Tại buổi họp, ngoài những khó khăn được nêu ra, một số thành viên của BCĐ 389 đã thảo luận, đề xuất những giải pháp, nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Về công tác tuyên truyền, ông Nguyễn Tiến Thọ, Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng nhìn nhận: “Chúng tôi thấy để đấu tranh hiệu quả cần có sự trao đổi thông tin giữa các ngành với nhau; lâu nay có quy chế phối hợp rồi, nhưng vẫn phải tiếp tục triển khai để kịp thời xử lý các vụ việc”. Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Đà Nẵng Trương Công Định cũng nêu thực trạng khi phóng viên tiếp cận phản ánh hoạt động tín dụng đen nổi lên gần đây, thông tin cung cấp từ các cơ quan chức năng còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo 389 trong công tác tuyên truyền cần cụ thể, chặt chẽ hơn.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh lưu ý các đơn vị cần nâng cao trình độ nghiệp vụ và có các giải pháp cụ thể, khéo léo xử lý tình huống để ngăn chặn các hành vi vi phạm. Về chống hàng giả và gian lận thương mại, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh: “Các ngành phải có sự đột phá, sáng tạo trong cách làm.
Ví dụ, cửa hàng, nhà hàng nào bán rượu, lực lượng chức năng cứ bất thình lình vào kiểm tra, lập biên bản niêm phong gửi đi kiểm định chất lượng, nếu họ tốt thật thì hoan nghênh, tuyên dương họ làm ăn uy tín, còn nếu đúng là rượu giả thì xử lý nặng. Một là phạt tột khung, hai là thu hồi giấy phép kinh doanh, ba là báo, đài đăng thông tin rộng rãi cho mọi người biết. Việc này cứ phải mạnh dạn làm thử đi”.
Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh yêu cầu trong thời gian tới, cần bổ sung, kiện toàn BCĐ 389. Các mặt hàng liên quan đến sức khỏe, đời sống của người dân như rượu, bia, thuốc lá, phân bón, dược phẩm, xăng dầu, gas, sữa… cần tập trung lực lượng để nắm bắt thị trường, thực hiện tốt công tác dự báo, nắm bắt thông tin, nghiêm khắc xử lý các hành vi vi phạm... Các bộ phận phải làm cương quyết, xác định trách nhiệm của từng ngành, xây dựng quy chế phối hợp riêng giữa các ngành để hoạt động tốt hơn.
7 tháng đầu năm 2016, các thành viên BCĐ 389 đã kiểm tra tổng số 6.205 vụ, xử lý 5.353 vụ vi phạm, khởi tố 14 vụ/16 đối tượng liên quan đến hành vi buôn bán hàng cấm, buôn bán, sản xuất hàng giả và kinh doanh lâm sản trái phép với tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước, bán hàng tịch thu và truy thu thuế 44,5 tỷ đồng. |
Duyên Anh