Kinh tế
Lựa chọn của giới teen
Xe đạp điện, xe máy điện là những phương tiện khá được ưa chuộng đối với học sinh, giới trẻ bởi phù hợp với quy định đối tượng chưa đủ tuổi sử dụng xe gắn máy, mô-tô. Hiện nay, giá thành một chiếc xe dạng này không hề rẻ, song trước nhu cầu sắm xe vào năm học mới, nhiều gia đình có điều kiện sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng mua một chiếc cho con.
Các dòng xe máy điện đang được giới trẻ ưa chuộng. |
Chị Trần Thị Liễu (khối phố Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) có con gái vừa bước vào lớp 10, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Chị vừa mua một chiếc xe đạp điện loại mới được sản xuất trong nước có nhiều tính năng với giá hơn 12 triệu đồng. “Chiếc xe này là phần thưởng của gia đình dành cho con khi thi đậu vào trường chuyên.
Đúng là giá đắt gấp nhiều lần so với chiếc xe đạp nhưng rõ ràng là cần thiết, vì đoạn đường cháu đi học quá xa mà vợ chồng chúng tôi đều bận bịu công việc không thể đưa đi đón về hằng ngày”, chị Liễu chia sẻ. So với vài năm trước, hiện nay chỉ cần nhìn vào bãi giữ xe của các trường trung học ở nội thành sẽ thấy số lượng xe đạp điện, xe máy điện tăng dần. Nhu cầu trang bị phương tiện cho con vào THPT của các bậc cha mẹ là chính đáng khi quỹ thời gian của người lớn không có nhiều cho việc đưa đón con em mình.
Phân tích về chất lượng, một nhân viên Cửa hàng xe đạp-xe máy điện Thu Hương (đường Hùng Vương, quận Hải Châu) khuyên nên mua xe chạy pin sẽ bền và nhẹ hơn, đi được xa hơn xe chạy ắc-quy, với quãng đường khoảng 30-35km. Các loại xe chạy bằng ắc-quy giá rẻ hơn so với xe chạy bằng pin nhưng độ bền thấp hơn với độ dài quãng đường khoảng 20-25km. Người bán cũng lưu ý, bình ắc-quy của những loại xe này thường không được đảm bảo chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhanh hỏng. Những loại thông thường được chọn mua phổ biến như Son Su, LVJUXe có giá từ 9-20 triệu đồng/chiếc. Đối với xe gắn mác chính hãng loại dùng pin thường có giá rất cao, tùy thuộc vào dung lượng pin, nếu đi 25-35km có giá 10,5-13 triệu đồng/chiếc, loại dung lượng cao hơn đi được 35-45km giá cao hơn hẳn, lên tới 14-16 triệu đồng/chiếc.
Lượng xe tiêu thụ chủ yếu là xe của hãng Jan, NiJia. Hiện xe Jan 133S nhập có giá khoảng 11,7 triệu đồng, bán ra 12,3 triệu đồng; NiJia giá khoảng 8,6 triệu đồng/chiếc, được nhiều khách hàng chọn mua nhất vì gầm cao, trọng lượng nhẹ, giá bán hợp lý. Được biết, những loại xe máy điện mang nhãn hiệu Giant M133S có giá 8,9 triệu đồng/chiếc, xe máy điện XMEN Sport 2014 giá 15 triệu đồng/chiếc, Mocha Vespa 946 12,5 triệu đồng/chiếc, Zoomer-X giá 9,9 triệu đồng, luôn hấp dẫn giới trẻ bởi mẫu mã gần giống với loại xe tay ga như Vespa LX, Liberty, Attila Elizabeth... Vào mùa năm học mới, mỗi cửa hàng chuyên doanh bán ra trên dưới chục chiếc/ngày. Phần lớn các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, còn một số do các doanh nghiệp trong nước nhập phụ tùng về lắp ráp với giá thành rẻ hơn khoảng 1 triệu đồng/chiếc.
Một ưu điểm khác của xe đạp điện, xe máy điện là người dùng tiết kiệm được chi phí vì không phải đổ xăng. Chẳng hạn như xe đạp điện một lần sạc đầy pin chỉ mất 3kWh, chưa tới 5.000 đồng. Tuy nhiên, không phải lứa tuổi nào cũng có thể sử dụng, điều khiển các loại phương tiện này, bởi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện phải đủ 16 tuổi khi tham gia giao thông và phải chấp hành đúng quy tắc giao thông và đội mũ bảo hiểm đúng quy cách. Trước đó, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 54 nêu rõ từ 1-7-2016 nếu chủ tài sản lưu hành xe trên đường nhưng chưa đăng ký quyền sở hữu thì cơ quan công an sẽ xử phạt hoặc tịch thu phương tiện. Văn bản này cũng tạo điều kiện giải quyết đăng ký, cấp biển số với xe máy điện theo hướng thông thoáng hơn như không cần phải có hóa đơn bán hàng, chứng từ lệ phí trước bạ, chứng từ nguồn gốc xe. Đây là những lưu ý các bậc phụ huynh cần nhắc nhở đối với con em mình trước khi quyết định mua xe.
Bài và ảnh: Duyên Anh