Kinh tế
Để vay tiền công ty tài chính an toàn
Khác với cầm đồ hay tín dụng đen, các công ty tài chính (CTTC) khi cho vay phải tuân thủ quy định của pháp luật, do đó, nếu đọc kỹ các điều khoản, người vay hoàn toàn có thể "né" được mức lãi suất cao và tránh được những khoản phạt trả chậm không đáng có.
Nghiên cứu kỹ các phương thức tính lãi suất
Ở Việt Nam, quy mô tín dụng tiêu dùng ở đang gia tăng nhanh chóng, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những người tham gia thị trường này đều đã thông tỏ về tín dụng tiêu dùng và thực sự sẵn sàng tiếp cận tới dịch vụ. Theo một thống kê gần đây, 90-95% khách hàng của tín dụng tiêu dùng là những người mới trải nghiệm dịch vụ lần đầu tiên.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, những trở ngại lần đầu này có thể khiến một số người tiêu dùng ngần ngại khi tiếp cận với vay tiêu dùng và dễ dẫn đến những khiếu nại, tranh cãi đáng tiếc sau này giữa người vay và bên cho vay.
Trong quan hệ tín dụng tiêu dùng, một trong những vấn đề dễ xảy ra tranh cãi nhất, đó chính là lãi suất. Tuy nhiên, tình trạng tư vấn một đằng, lãi suất một nẻo đến nay cũng đã giảm đi nhiều. Nếu như trước kia, tùy vào độ khó tính của khách hàng, nhân viên công ty tài chính có thể cân nhắc cung cấp thông tin về các điều khoản trong hợp đồng, thì nay, hầu hết các CTTC đã làm chặt quy trình hơn nhằm tránh phát sinh những tranh chấp không đáng có.
Đưa ra lời khuyên để tránh bẫy lãi suất cao, ông Hòe nói: Cho vay tiêu dùng hiện đang nở rộ với hình thức cho vay trả góp hoặc cho vay tiền mặt, giá trị khoản vay không lớn, ban đầu có thể chỉ dưới chục triệu đồng. CTTC lại cho vay tiêu dùng theo hình thức tín chấp, không bắt buộc người vay phải trả qua ngân hàng, nên với những hồ sơ yếu, lãi suất có thể rất cao, lên tới 70-80%/năm.
Do đó, khi lần đầu vay trả góp, ngoài việc hỏi nhân viên lãi suất bao nhiêu phần trăm một tháng, một năm, người tiêu dùng cần nhờ tư vấn viên của các CTTC tính toán cụ thể tổng số tiền lãi phải trả trong từng tháng cũng như trong suốt thời gian vay. Nhìn vào bảng tính này, người vay sẽ dễ hình dung số tiền vay gốc và tiền lãi phải trả là bao nhiêu, để cân nhắc khả năng vay, trả sao cho phù hợp với tình hình thu nhập của mình.
Đọc kỹ các điều khoản phụ hợp đồng
Về nguyên tắc, các nhân viên tư vấn của CTTC phải nêu rõ các điều khoản cho khách hàng trước khi ký hợp đồng. Tuy nhiên, bản thân người vay cũng phải có trách nhiệm tìm hiểu kỹ mọi điều khoản trên hợp đồng để tự bảo vệ mình. Trong thực tế, phần lớn người Việt Nam khi vay vốn lại chỉ quan tâm đến phần lãi suất, lơ là nghiên cứu các điều khoản còn lại trên hợp đồng, nếu có đọc cũng chỉ lướt qua, khi sự việc xảy ra thì lại đổ lỗi là bên cung ứng dịch vụ “cố tình giăng bẫy”.
Do đó, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng khi đi vay nên chủ động đặt câu hỏi cho tổ chức tín dụng để hai bên có chung một cách hiểu thống nhất. Thông thường, CTTC càng đưa ra ít điều kiện, chuẩn tín dụng thì mức lãi suất tương ứng sẽ càng cao, bởi mức rủi ro đối với CTTC này sẽ rất lớn. Và theo đó, để bảo đảm quyền lợi cho mình, người tiêu dùng có quyền đòi hỏi công ty đó minh bạch mức lãi suất và các điều khoản để thỏa thuận trước khi vay.
Ngoài lãi suất, các điều khoản về thu đòi nợ, tất toán hợp đồng người tiêu dùng cũng cần lưu tâm tìm hiểu. Bởi trước đây, cũng đã có phàn nàn rằng, CTTC gây khó dễ cho khách hàng khi trả nợ trước hạn, hoặc có cách thức đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Trường hợp anh Tuấn Ngọc (Ba La, Hà Đông, Hà Nội) là một ví dụ. Do cần gấp tiền mặt để tiêu dùng, anh đã làm thủ tục vay tại một CTTC trong thời hạn 24 tháng. Tuy nhiên, đến tháng thứ 10, anh muốn tất toán để không phải chịu lãi suất cao, lúc đó lại mới để ý đến điều khoản trên hợp đồng có quy định rõ về phí tất toán trước hạn.
Không chỉ vậy, các khoản phí bảo hiểm, phí phụ thu thêm cũng cần được tìm hiểu kỹ trên hợp đồng để tránh những phát sinh phiền phức sau này.
Không nên vay quá nhiều
Với ý nghĩa kích cầu tiêu dùng, tín dụng tiêu dùng hiện đã đáp ứng hiệu quả tức thời của không ít bạn trẻ, giúp họ sở hữu được những món đồ thiết yếu trong cuộc sống như: điện thoại, xe máy… sớm hơn dự định ban đầu nhưng ngược lại, với người không có kế hoạch tài chính cá nhân, đây có thể là một con dao hai lưỡi. Vì vậy, để tránh rơi vào tình cảnh kiệt quệ về tài chính, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng nên tính toán kỹ mức thu nhập của mình mỗi tháng trước khi vay.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc trả nợ chỉ nên chiếm nhiều nhất khoảng 30-40% tổng thu nhập trong tháng. Với tỷ lệ này, người vay sẽ hạn chế khả năng rơi vào “khủng hoảng” tài chính và phải lo đi vay nợ mới trả nợ cũ.
Một chuyên gia khác cũng lưu ý, người tiêu dùng chỉ nên vay vì mục đích tiêu dùng, mua sắm thực sự thay vì để trả nợ hay cho các mục đích khác. Ngoài ra, khi đã vay tiêu dùng, mỗi tháng ngay khi có thu nhập, người tiêu dùng nên chủ động trích số tiền chi trả cho CTTC từ đầu, để tránh ảnh hưởng tới kế hoạch chi tiêu trong tháng.
Hương Lan