Kinh tế

Tăng hiệu quả kết nối cung - cầu

15:02, 08/10/2016 (GMT+7)

ĐNĐT - Việc kết nối cung - cầu phải đi vào thực chất, tăng chất lượng cung cấp thông tin, nhằm  hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường... Đó là mong muốn của hầu hết các đại biểu, doanh nghiệp tham dự Hội nghị kết nối cung-cầu Khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2016 do UBND thành phố Đà Nẵng và Bộ Công thương tổ chức vào sáng 8-10; thu hút sự tham gia của 23 lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố và hơn 300 doanh nghiệp (DN) trong cả nước.

Các doanh nghiệp triển lãm sản phẩm tại các gian hàng
Các doanh nghiệp triển lãm sản phẩm tại các gian hàng

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đánh giá: Hội nghị kết nối cung-cầu năm nay tại Đà Nẵng về quy mô tổ chức được nâng lên và mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước. Hoạt động có sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương tới địa phương trong công tác hỗ trợ, kết nối DN.

Đối tượng tham gia mở rộng hơn so với các năm trước, các mặt hàng trưng bày giới thiệu cũng chất lượng hơn, đa dạng hơn. Với mục tiêu tạo liên kết các vùng miền, tạo cơ hội thuận lợi cho các DN của Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và các địa phương trên cả nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu nhu cầu, kết nối hợp tác trong hoạt động sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, góp phần tạo kênh tiêu thụ các sản phẩm vùng, miền một cách bền vững, ổn định; khuyến khích người tiêu dùng biết và ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ Việt Nam chất lượng...

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng,  kể từ sau chương trình kết nối cung-cầu sản phẩm của DN Đà Nẵng, đặc biệt là hội nghị kết nối cung - cầu khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2015 tổ chức thành công với 42 cặp biên bản ghi nhớ được ký kết trực tiếp với tổng giá trị hơn 320 tỷ đồng, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương. Từ chỗ các DN phát triển tự phát đã nhận thấy vai trò của liên kết, xây dựng mối quan hệ làm ăn lâu dài, tương hỗ cùng phát triển. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, DN còn quan tâm mở rộng sản xuất hướng đến nhu cầu của đối tác; việc kết nối đang từng bước gia tăng về số lượng và quy mô.

Tuy vậy, một số kết nối hình thành nhưng các ngành nghề chưa toàn diện; việc ký kết, cung ứng tiêu thụ sản phẩm giữa các đơn vị chỉ mang tính thăm dò, giá trị chưa cao. Các DN miền Trung – Tây Nguyên hầu hết quy mô nhỏ và vừa, thị trường hạn chế, chưa tham gia hình thành các liên kết theo chuỗi, liên kết chủ yếu dừng lại ở các DN sản xuất với DN thương mại.  Số lượng kết nối giữa DN sản xuất với DN mua nguyên liệu đầu vào bán thành phẩm đầu ra còn ít. Nhiều sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của địa phương nhưng quy mô nhỏ chưa thể vào hệ thống phân phối hiện đại.

Năm 2016, Ban tổ chức Hội nghị kết nối cung – cầu khu vực miền Trung-Tây nguyên đã khảo sát gần 200 DN Đà Nẵng và 230 DN của 25 tỉnh, thành phố để có những thông tin được cập nhật sát thực tế trên nhiều lĩnh vực.

Theo đó, thời gian tới, các giải pháp được các đại biểu đưa ra, đó là cần chú trọng tổ chức cung-cầu theo từng lĩnh vực chuyên ngành với quy mô có thể nhỏ hơn, nhưng chuyên sâu hơn;  chủ động khảo sát, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cung-cầu theo chuyên ngành tại địa phương cần được cập nhật thường xuyên để phục vụ doanh nghiệp cả nước; nên tổ chức các hoạt động kết nối theo chuỗi kết hợp nhiều sự kiện, hoạt động đa dạng, phong phú.

Điều này sẽ giúp cơ hội gặp gỡ các đối tác của DN nhiều hơn; tiếp tục phát huy, tăng cường sự đồng hành giữa các cơ quan quan lý nhà nước, các hội, đoàn thể, hiệp hội. Về phía các DN, cần nâng cao tinh thần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động kết nối, cải tiến mẫu mã, đảm bảo điều kiện để tham gia kênh phân phối…

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng nhìn nhận: "Trong nhiều năm qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Công thương đã phối hợp với nhiều cơ quan liên quan, tổ chức có nhiều hoạt động có ý nghĩa. Hoạt động “kết nối cung – cầu” là sáng kiến của Bộ Công thương nhằm tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, hỗ trợ kết nối DN, hợp tác liên kết vùng… góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020.

Trước mắt, mỗi năm tổ chức một lần tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Chúng tôi cũng đánh giá cao thành phố Đà Nẵng với vai trò trung tâm khu vực rất năng động, sáng tạo trong việc chỉ đạo Sở Công thương tổ chức hội nghị quy mô như vậy. Và cùng với sự tham gia của đông đảo các đại diện sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần giúp cho các DN xây dựng chuỗi sản xuất, phát triển hàng Việt Nam bền vững, cung ứng sản phẩm tiềm năng, tạo ra nhiều sản phẩm mới, bảo đảm an toàn vệ sinh thục phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng".

Tại hội nghị, Ban tổ chức đã dành một khu vực riêng với 200 gian hàng triển lãm, giới thiệu các sản phẩm của DN. Đồng thời phần lớn thời gian của hội nghị được các DN dành để chia sẻ, trao đổi, nêu ý kiến, kiến nghị để hoạt động kết nối cung-cầu đạt hiệu quả hơn. Kết thúc hội nghị, đã có 40 cặp biên bản ghi nhớ được kí kết về hợp tác giữa các DN, đơn vị trên các lĩnh vực nông, công nghiệp, dược phẩm. máy móc, thiết bị, xây dựng, du lịch, khách sạn, giáo dục, đào tạo...

Tin và ảnh: DUYÊN ANH

.